Những người chọn thức ăn nhanh ở Sài Gòn thường không phải vì họ cần vội vã, mà là cần một chỗ ngồi để... “giết” thời giờ...
Ngồi tại một tiệm KFC trên đường CMT8, trong suốt một giờ đồng hồ của buổi trưa, chỉ thấy có ba khách hàng – một người với mái tóc đã bạc và ăn uống rất nhẩn nha, thưởng thức vị giòn của da gà, hớp ngụm nước ngọt, dùng tay chấm từng miếng khoai tây vàng trong tương ớt pha tương cà cay cay mà chẳng có vẻ gì vội vã.
Tiệm ăn nhanh là nơi nhiều trẻ thích đến tổ chức sinh nhật. |
Người khách thứ hai là phụ huynh đón con đi học về ghé vào ăn để thưởng cho bé được điểm 10 như đã hứa và khách còn lại là đôi bạn tìm vào ăn trưa trong không gian máy lạnh cho mát mẻ.
Hơn 50 năm trước, cha đẻ của ngành công nghiệp fast food đã tự hào khi đưa ra công thức 30 giây chế biến một ổ bánh mì kẹp thịt và đưa nó trở thành biểu tượng của nhịp sống công nghiệp vội vã, tất bật của người dân đô thị hiện đại. Rồi những tiệm thức ăn nhanh kiểu Mỹ này lần lượt tìm vào Việt Nam nhằm đón người dân Sài Gòn đang bị cuốn vào guồng máy nhịp sống công nghiệp. Ấy vậy mà…
Ở tiệm Lotteria trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, giờ đông khách nhất lại là buổi tối. Một nhân viên phục vụ ở đây cho biết: đông nhất là tối cuối tuần. Hai loại khách thường ghé vào đây là các chàng và nàng – họ ngồi bên nhau, vừa ăn, vừa cười, vừa kể chuyện râm ran, kế đến là các gia đình có con nhỏ – cả nhà cùng vào ăn và ngồi chơi có khi cả tiếng mới về.
Những chiếc bánh hamburger béo ngậy, đầy chất đạm – bột – béo cung cấp năng lượng cho công nhân lao động ở các nước Âu – Mỹ đang trở thành món “nhà hàng” dành cho giới có thu nhập từ mức trung bình khá trở lên ở Sài Gòn. Cái tính chất dịch vụ chuyên nghiệp, mang đặc trưng của fast food mà một hiệu thức ăn nhanh đã từng tiên phong thực hiện khi mở điểm kinh doanh ở siêu thị Citimart – bố trí đường cho xe vào tận cửa mua thức ăn và khách ngồi trên xe hơi hoặc xe máy có thể nhận hàng trong vòng 2 – 5 phút rồi lái xe ra ngay, đã phải đóng cửa vì chẳng ai đến để mua nhanh. Hình thức “tự phục vụ” của loại hình này cũng chẳng còn nguyên vẹn vì điểm bán nào cũng có nhân viên phụ giúp mang thức ăn tận bàn cho khách. Hầu hết khách của fast food hiện nay đều đến để “ngồi”, để nhâm nhi tại chỗ, để tìm một địa điểm vừa để ăn, vừa để ngắm đường phố qua cửa kính. Đó là lý do mà hầu hết các tiệm fast food hiện nay đều cát cứ ở các ngã ba, ngã tư đường với các tầng lầu kính trong suốt.
Đối tượng khách hàng chính, quan trọng nhất của fast food hiện nay chính là trẻ em. Và thức ăn kiểu Mỹ này đã hết “nhanh” khi hầu hết các nhà hàng gà rán đều đang trở thành tụ điểm tổ chức sinh nhật cho trẻ con.
Mà các nơi này nhận dịch vụ tổ chức sinh nhật cho con nít chuyên nghiệp lắm. Họ có nhân viên hoá trang thành chú hề hoặc mặc đồ con rối, tổ chức trò chơi cho tụi nhỏ tại chỗ, còn trang trí bằng bong bóng nữa. Nhà hàng gà rán nào mà chẳng có một vài tiệc sinh nhật mỗi tuần.
Chưa hết, bà Trần Thị Lan ngụ ở quận Tân Bình nói: “Tui có cảm giác phụ huynh nào cũng giống như tui, cuối tuần chẳng biết đi đâu – thường đưa con vào tiệm fast food cho tiện”.
Fast food đã chẳng còn là thức ăn nhanh nữa rồi. Nó đang trở thành món thời thượng cho những người “lười nấu nướng” bữa ngon cho cả nhà vào dịp cuối tuần, nó trở thành “công cụ” để các bà mẹ dụ con vào ngồi chờ trong lúc họ nhẩn nha shopping ở trong siêu thị hoặc trung tâm thương mại. (Cứ đến các nhà hàng fast food ở những điểm mua sắm thì thấy ngay). Chả trách nhà kinh doanh fast food ở Việt Nam đã thêm vào đó những món cơm phần, những món canh, món rau trộn… theo kiểu ăn chậm của người xứ mình.
( Theo Bích Thảo // Báo Sài Gòn Tiếp thị )