Ngày xưa, tôi ở Bà Điểm, Hóc Môn. Như bao nhiêu ngôi nhà khác trong vùng, nhà tôi cũng nằm giữa một vườn cau, trầu xanh ngắt. Tuổi thơ nghèo khó, thú vui của chị em tôi chỉ quẩn quanh việc gom hoa cau, lượm tàu, chuốt lá…
Khoái nhất là những buổi trưa hè, đang nằm võng đung đưa, bỗng nghe cái bịch, anh Hai tôi ới lên: “Ba ơi, tàu cau rụng rồi”. Hai đứa hớn hở chạy ra chộp ngay cái mo cau để chơi kéo xe… Hôm nào mo cau lớn thì mẹ mới cho để kéo xe, bữa nào mo cau nhỏ, mẹ mang phơi trong nắng dịu, rồi lau thật sạch, để chiều nắm cơm cho mấy cha con.
Cha tôi rất thích món cơm nắm, chấm cá kho của mẹ. Còn tôi với anh Hai chỉ khoái ăn cơm kèm muối đậu. Miếng cơm trắng tinh, dẻo quánh, quyện với vị ngọt ngọt, mặn mặn, bùi bùi của muối, đường, đậu phộng và một chút ít mè… sao mà ngon không gì tả xiết! Cha nói, ăn một miếng cơm nắm mẹ làm, có chết cũng nhớ đời. Mẹ hay “hứ” cha đầy "tình cảm" mỗi lần cha nói như thế…
Khi nào nhà tôi có dịp đi chơi xa, suốt cả ngày hôm trước, mẹ cứ ngồi ngóng chờ tàu cau rụng. Bởi bà không muốn dùng mo cau cũ để nắm cơm. Mẹ bảo: “Tàu cau non, mới, mình nắm cơm chặt vào, khi dỡ ra sẽ có một lớp “áo” mỏng mo cau quanh nắm cơm, làm cho cơm trắng đã thơm lại càng thơm… Cơm nắm như vậy, ăn vào mới biết “mùi” quê!”
Rồi đất đai tăng giá, cộng với nhu cầu học hành của chúng tôi… Cha mẹ bán bớt đất vườn, cất lại nhà mới khang trang, rộng rãi, tiện nghi hơn… Những cây cau giờ chỉ còn trong ký ức. Mỗi lần ai đó cho chiếc mo cau, mẹ lại tỉ mẩn làm cơm nắm, để con cháu trong nhà biết món “độc” của quê hương. Bà cất giữ chiếc mo cau ấy để dành lần sau làm cơm tiếp nhưng cứ chắc lưỡi hoài: “Giá chi có cây cau, để khi nó rụng tàu lấy ngay làm cơm nắm cho tụi nhỏ nó biết mùi của quê mình!”…
Mẹ mất ba năm, món cơm nắm cũng thất truyền, tôi cứ tưởng suốt đời không còn được ăn chúng nữa…
Vậy mà hôm nay, trong một chuyến công tác về Bình Phước, chị chủ nhà đãi khách phương xa bằng một bữa tiệc hoành tráng có kèm cơm nắm mo cau. Cả bàn tiệc ồ lên với bao thú vị. Nhiều bạn trẻ thành thị chưa bao giờ biết món ăn này đã nhào vào ăn thử rồi xuýt xoa: “Ngon quá, hay quá…”. Ăn xong còn xúm lại hỏi chị chủ nhà bí quyết làm cơm nắm mo cau.
Còn tôi, nhìn cái mo cau với cơm trắng muốt, bỗng dâng nỗi niềm thương cha, nhớ mẹ, thương cái ngày xa lắc ấy biết bao…
(Theo Hạnh Chi // Phunuonline )