Sự nhập nhằng giữa nguồn gốc nuôi và săn bắt tự nhiên cùng những lời đồn thổi về “tác dụng” đã khiến món này trở thành hấp dẫn. Tất nhiên, thực khách phải là dân có tiền
Để được Thành, một đại gia buôn xe hơi có tiếng ở Sài Gòn, cho tháp tùng cùng nhóm bạn của anh đi ăn thịt rắn, tôi đã phải hứa: không được chụp hình (Thành sẽ chụp giùm bằng điện thoại), không được lộ danh tánh nhà báo, “ông mà để quán họ nghi ngờ thì lần sau đừng mong lọt được vào đây nữa”, Thành nói nửa đùa, nửa thật.
Ăn quen là… ghiền
Quán rắn Thành dẫn tôi vào để “mục sở thị” nằm ở cuối đường Nguyễn Chí Thanh (quận 11). Theo lời Thành, quán này bán rắn gia truyền đã trên 20 năm. Nhìn từ bên ngoài, quán không khác quán nhậu bình dân nhưng đi vào mới thấy, là dân nhậu bình dân, khó có “cửa” vào đây. Cả một khu vực ngay trước cửa nhà bếp chẳng khác một cái “động rắn”. Rắn ngâm rượu nằm lủ khủ trong những cái bình để dọc lối ra bếp và rắn sống ngọ nguậy, lè lưỡi phun phì phì trong những cái thùng chất thành một dãy bên hông. Vì Thành đã gọi điện thoại đặt trước nên khi mọi người vừa an toạ, hai nhân viên quán đã tự động xách đến hai con rắn hổ mang, đuôi dài phệt đất để biểu diễn màn cắt tiết, lấy mật cho khách xem. “Ăn rắn hổ phải để ý cái mặt trăng trên lưng nó. Mặt trăng càng lớn, thịt càng ngon”, Thành giải thích.
Sau khi làm thịt xong, hai cái mật rắn được Thành ưu tiên cho hai người đẹp trong nhóm. Không một chút dè dặt, cả hai cầm lấy đưa ngay vào miệng, “Ăn mật rắn tươi tốt lắm. Vừa dẻo dai, trẻ lâu mà da dẻ cũng đẹp hơn. Tụi em tháng nào cũng phải có một bữa rắn thì mới chịu được”, một cô gái nói. Để có mật pha rượu, Thành phải gọi thêm hai cái riêng khác. Phần thịt rắn được đưa vào trong để đầu bếp chế biến bốn món: chiên giòn, xào lăn, luộc, nấu lẩu. Thịt rắn sau khi chế biến ăn rất thơm, ngọt và không lợn cợn chút mùi tanh nào.
Đặc sản đang lên cơn sốt
Ông chủ quán, một người Hoa đã gần 70 tuổi nhưng trông còn rất tráng kiện, cho biết thịt rắn hổ mang hiện là đặc sản rất hút khách. Trung bình những ngày cuối tuần, quán của ông bán trên dưới gần 30 ký. “Trong các bộ phận của rắn, mật rắn quý nhất. Pha với rượu uống có tác dụng chẳng khác viagra nên mấy ông mê lắm (!) Có nhiều ông vô đây, mua hai, ba con rắn nhưng chỉ ăn có mỗi cái mật rồi về”, ông chủ quán kể. Cũng theo lời ông chủ này, rắn nuôi trong chuồng thịt sẽ không ngọt và bổ dưỡng bằng rắn bắt ngoài thiên nhiên. Tuy nhiên vì rắn hổ mang là động vật quý hiếm bị cấm săn bắt, mua bán nên nguồn cung cấp thịt rắn cho thị trường vẫn chủ yếu là rắn nuôi của các trại rắn ở miền Tây, “Quán tôi có nguồn cung cấp từ Campuchia về nhưng cũng không đủ bán. Cái thứ này đàn bà, đàn ông gì ăn cũng tốt hết thành ra khan hiếm dữ lắm. Đàn ông ăn thì chắc khoẻ xương cốt, sinh lý mạnh mẽ. Đàn bà ăn thì trẻ mãi không già. Như vợ tôi, đâu có dám cho bả ăn nhiều”, ông cười pha trò.
Theo kinh nghiệm của Thành, ăn rắn nếu đi vào mùa mưa, khoảng tháng 6, tháng 7 giá sẽ rẻ hơn, trung bình chỉ sáu, bảy trăm ngàn đồng một ký. Còn như mùa nắng, chấp nhận bỏ cả triệu đồng, có khi cũng không kiếm được một con rắn nhỏ xíu để ăn. “Dân ăn rắn sành điệu thường đến những địa chỉ chuyên bán rắn, có nhân viên biễu diễn lấy tiết và mật tại bàn ăn, chứ ít khi vào nhà hàng. Vì như thế dễ ăn được rắn bắt ở ngoài và lại có thể kiểm soát được cân ký.
( bài, ảnh: Trần Tiến Minh // SGTT Online)