Xôi sắn hấp dẫn bởi sự lạ miệng và hương vị dân dã. (ảnh TL) |
Hai năm gắn bó với Hà Nội, ăn đủ thứ xôi từ xôi đỗ xanh, đỗ đen, xôi ngô, xéo, lạc… nhưng “xôi sắn - ruốc tôm” vẫn dậy mùi một góc phố, và dậy cả khoảng ký ức “xôi độn sắn” năm xưa mỗi dịp tôi đi qua phố Hàng Giấy.
Lắm lúc không chủ định, nhưng tôi vẫn dừng xe trước gian hàng nhỏ có tấm biển “xôi sắn - ruốc tôm”, dù cái bụng vừa ních căng những món quà ưa thích. Có lẽ cái ý định dừng lại để thưởng thức xôi sắn thì ít mà tìm lại mảnh ký ức về một thời thèm thuồng món xôi độn - thứ quà xa xỉ và cầu kỳ chỉ khi nào thật nhàn rỗi và có cơm gạo mới mới có dịp thực hiện.
Giữ bát xôi trong tay để thưởng thức cái hương vị nồng nồng của gạo nếp, bùi bùi của củ sắn, và lân la hỏi chuyện người làm thứ xôi không mấy phổ biến giữa phố thị Hà Nội. Đây là món ăn có nguồn gốc từ dân tộc Thái, bình dị nhưng đã ăn một lần thì khó có thể quên. Nhưng nói đến cách chế biến xôi sắn Hà Nội thì theo người chế biến có lẽ phải mất khá nhiều thời gian.
Sắn bóc bỏ vỏ, xắt thành sợi như sợi dừa tươi, đem trộn với gạo nếp rồi đồ lên như nấu các loại xôi khác. Khâu xắt sắn đòi hỏi phải tỉ mỉ và đều tay để sợi sắn không nát, lại có khuôn hình đều đặn. Có thể không quá cầu kỳ trong việc chuẩn bị thực phẩm để đồ thành xôi, nhưng món ăn lạ miệng lại khiến người ta bất ngờ bởi hương vị của nó.
Xôi sắn khi vừa chín, mùi thơm lừng của gạo nếp và sắn hòa quyện vào nhau, những hạt xôi nếp dẻo, trắng trong, những sợi sắn trắng ngà, bở tơi, đã thực sự níu chân thực khách. Dư vị của miếng xôi nếm thử có cái ngọt ngọt, bùi bùi của sắn quyện lấy cái dẻo dẻo, dính dính của xôi nếp, thêm một chút muối (ruốc tôm) cho đậm đà là đã khiến những ai từng ăn một lại muốn ăn hai.
Cũng làm từ gạo nếp và sắn, nhưng hương vị xôi sắn Hà Nội không giống như xôi sắn trong ký ức của tôi thời còn đi học ở quê. Không đồ lẫn, cũng không xắt thành sợi, nhưng xôi sắn mẹ làm năm xưa vẫn có được vị nồng của gạo nếp và vị bùi của sắn vừa chín tới thêm vị béo ngậy của hành phi.
Gạo nếp (loại gạo ngon đầu mùa) được ngâm nước kỹ, sau đó vo sạch và đồ riêng đến khi vừa chín tới. Sắn cắt khúc, bỏ vỏ, luộc riêng. Khi chín tới thì chờ cho tới nguội rồi lọc bỏ phần xơ phía trong từng khúc sắn. Sau đó đánh tơi (càng nhỏ, càng ngon và dễ quyện với xôi đã đồ chín).
Sau khi xôi và sắn đánh tơi đều đã nguội, mẹ cho vào trộn đều. Vừa đảo, vừa dùng lực của bàn tay để hai thứ đó dần dính lại giống như làm xôi vò. Vị của xôi và sắn quyện dần và hòa vào nhau. Bên cạnh mẹ, hai chị em tôi chỉ chờ những miếng sắn chưa đủ dính vào xôi văng ra ngoài để được nếm trước. Điều đặc biệt, cả hai đều thích ăn phần xôi nhiều sắn, nhưng phải là phần đã quyện chặt vào nhau thành từng miếng thay vì những miếng sắn rời như lúc chờ đợi.
Cứ thế, mẹ cứ làm đi làm lại điều đó cho tới khi xôi và sắn đã hòa vào nhau, thành một khối dẻo quyện. Điều đặc biệt, món xôi sắn mẹ làm còn có thêm vị thơm phức của hành phi, vị béo ngậy của mỡ lợn phi hành càng làm món ăn thêm cuốn hút.
Ở Hà Nội có rất ít nơi bán thứ xôi sắn này, chỉ thấy ở 32B Hàng Giấy có đề biển “Xôi sắn - ruốc tôm”. Những gói xôi sắn thơm lừng, bên trên là ruốc tôm tơi bông lên, màu hồng nhạt nổi lên trên màu trắng của nếp và sắn khiến xôi không chỉ đậm đà mà còn trông rất đẹp mắt. Có thể, trong những thực khách ngồi quanh gánh hàng nhỏ, không ít người cũng muốn tìm về với món ăn dân dã, một thời đã trở thành kỷ niệm trong những miền ký ức như tôi!
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)