Cây tà vạt giống như cây dừa, còn gọi là “dừa núi” hay còn gọi là cây đoát, có tên khoa học: Arrenga sacchariferasp. Lá cây tà vạt dùng để lợp nhà, lợp chuồng gia súc, bò trâu... trái của cây tà vạt lên men sẽ được loại rượu rất thơm có vị ngọt, đắng nhẹ…
Phần đọt non của cây tà vạt, người Cơ Tu gọi là “lam tà vạt”. Người ta chọn những cây tà vạt mọc dày, không phát triển được, chặt lấy đọt, bóc ra lấy phần đọt non. Món này dùng để chiên, xào, làm gỏi… hoặc nấu, kho với các loại thịt rừng hoặc tôm, cá. Gỏi được xem là đặc sản của người Cơ Tu miền Trung.
Đọt non tà vạt rửa sạch để ráo, sau đó xắt lát dài 10cm, rộng 1cm. Thêm tép khô cũng rửa sạch, để ráo. Khử dầu phộng (thứ thiệt) bỏ vào vài tép tỏi đập giập, khi dầu và tỏi đã bốc mùi thơm, bỏ tép vào khuấy đều, nêm nước mắm, gia vị… sau đó đổ lam tà vạt đã xắt nhỏ vào xoong, đảo nhiều lần cho đều; rải đậu phộng rang (giã giập), rau thơm, ớt rừng vào. Món gỏi tà vạt này ăn vừa giòn vừa thơm, mát ngọt… “nổi” hơn các nguyên liệu khác như cổ hũ dừa, cau, chà là…
( Theo Minh Tâm // SGTT Online)