Cuối tháng 4 đi Bạc Liêu, được ăn món ốc lác đã tuyệt chủng tại Việt Nam nhiều năm. Không còn gì sảng khoái hơn. Có thể có một số người chưa biết đến ốc lác. Ốc lác hơi giống ốc bươu, nhưng chỉ lớn hơn ngón cái người lớn một chút, rốn cạn, không sâu như rốn ốc bươu. Thịt ốc lác giòn hơn chứ không mềm như ốc bươu. Không ngậy như ốc bươu. Ngon nhất là món ốc lác hấp hèm có kèm thêm một mớ lá ổi, chấm mắm sả, mắm nguyên chất với sả ớt là số dách.
Nhiều năm rồi mới hạnh ngộ ốc lác. Phan Trung Nghĩa, thổ địa xứ này cho biết: “Mớ ốc lác này bắt tận xã Lai Hoà, huyện Vĩnh Châu, Sa Đéc, giáp giới với Bạc Liêu. Cái mớ ốc đến từ xa xôi như thế cho thấy sự khan hiếm của chúng”. Ốc lác khan hiếm tại Việt Nam do một số nhà khoa học có sáng kiến du nhập con ốc bươu vàng vào Việt Nam để nuôi làm thực phẩm xuất khẩu vào khoảng năm 1988. Lợi bất cập hại, xuất khẩu đâu không thấy, bây giờ ốc bươu vàng trở thành sát thủ nguy hiểm đối với cây lúa, vì sinh sản nhanh, ăn hại lá lúa.
Có người cho rằng cái hại thứ hai là ốc bươu vàng lai giống với ốc bươu và ốc lác, làm những giống kia bị hỏng. Thực tế là, con ốc bươu vàng đực luôn tìm đến giao phối với con cái ốc lác và ốc bươu thường. Nhưng việc ốc bươu hoặc ốc lác đực tìm đến ốc bươu vàng cái, theo TS Nguyễn Văn Huỳnh, đại học Cần Thơ, đã không quan sát được.
Cái cuộc giao phối với ốc bươu vàng, nếu bạn biết được qua các khảo sát của trường đại học Cần Thơ, mới thấy chúng “sung” hết biết: từ một đến năm lần trong vòng 24 giờ, có lần lâu 30 phút, có khi 16 giờ mới rời nhau. Sau đó, ốc lác cái đẻ nhiều ổ trứng với số lượng lên đến gần 200 trứng mỗi ổ. Nhưng nghiên cứu của trường đại học Cần Thơ cho kết quả là những ổ trứng đó không nở. Có nghĩa các loại ốc đã không lai tạp lẫn nhau như lời đồn đãi. Các nhà khoa học nhận định đây là tin mừng. Nhưng sự vụ không có lửa sao có khói về “ốc lai” được dân chúng gọi là ốc F1 cũng được các nhà khoa học ở Cần Thơ phá án.
Nghĩa là các thứ F1 ấy được chọn lọc và thu thập ngoài thực tế đem về phân tích xác định bằng phương pháp so sánh hình thái. Theo TS Huỳnh, nhìn chung có ba dạng con lai theo kiểu: (1) giống ốc lác nhưng vỏ có lỗ rốn hơi sâu và có màu vàng nhạt, thịt ốc cũng hơi vàng; (2) giống ốc bươu vàng nhưng vỏ lại dày hơn và có màu đen, thịt màu nâu đen; và (3) giống ốc bươu nhưng vỏ có những mảng vàng, thịt ốc có màu vàng nâu và buồng trứng có màu cam. Tuy nhiên, khi phân tích đặc điểm phân loại dựa vào màu sắc của vỏ và thịt ốc, chiều cao đỉnh và chiều sâu lỗ rốn của vỏ ốc (là các tiêu chuẩn hình thái thường được dùng để phân biệt ba loại ốc này với nhau), tất cả đều cho thấy chúng không đủ tiêu chuẩn để xếp vào loại con lai.
Nói cách khác, chúng vẫn là ốc bươu vàng, ốc lác hoặc ốc bươu nhưng có các dị dạng hoặc màu sắc mà có thể do sự phát triển của chúng bị ảnh hưởng của điều kiện môi trường.
Nhưng TS Huỳnh chỉ lưu ý là ở nơi nào có mật độ ốc bươu vàng phát triển mạnh thì hầu như không còn hoặc còn rất ít ốc bươu và ốc lác. Có sự khống chế nào từ ốc bươu vàng khi chúng sống chung và cạnh tranh về thức ăn, môi trường với hai loại ốc địa phương này hay không? Kết quả này còn đang được tiếp tục theo dõi.
Trong bữa thưởng thức ốc lác hôm đó, có người còn chỉ ra một món độc chiêu: ốc lác treo giàn bếp. Nói là treo giàn bếp nhưng cũng không treo chỗ nóng lắm. Treo như thế ba đến bốn tháng ốc vẫn còn sống, nghĩa là vừa giấc “ngủ hạ” của chúng. Trước khi chế biến chúng, người ta quậy trứng gà với sữa, ốc rửa sạch bụi bặm, cho vào trong dung dịch trứng sữa ấy. Ốc khát bắt đầu uống, đến khi nước trong, vớt ốc ra, rồi đem hấp trên bếp. Khi ốc chín bắc xuống khỏi bếp, nói theo kiểu dân sành điệu, chỉ còn nước đem đổ.
(bài, ảnh: Khởi Thức // SGTT Online)