Nhưng để “thắng” trong lĩnh vực không có gì là xa lạ này, nhà đầu tư phải tìm được cho mình nét độc đáo, mới lạ.
Bắt đầu xuất hiện tại Hà Nội từ năm 2005, chuỗi nhà hàng lẩu nấm Ashima của Công ty liên doanh thương mại và dịch vụ Cổng Vàng, một công ty có vốn đầu tư nước ngoài, giờ đã mọc lên ở các thành phố lớn trên khắp đất nước như… nấm sau mưa.
Người ta đến các nhà hàng Ashima trước hết vì một món ăn ngon, đánh trúng vào tâm lý sợ béo, sợ bệnh của những người đương thời, sau là vì không gian cổ kính, sang trọng một cách kín đáo, phảng phất hơi thở của một truyền thuyết xưa.
Không sợ đơn điệu
Ashima là tên gọi những người con gái còn rất trẻ của dân tộc Hạ - một bộ tộc ít người sống trên các đỉnh núi cao bốn mùa mây phủ trắng xóa ở phía nam Trung Quốc. Những người con gái ấy chỉ được gọi là Ashima khi vẫn còn những chiếc “sừng” được búi bằng chiếc khăn xếp nhiều tầng quấn quanh đầu - dấu hiệu của sự trinh trắng.
Tương truyền khi mang quân chinh phạt phương Nam, đạo quân tiên phong của Tần Thủy Hoàng do Đại tướng Mông Điềm chỉ huy lạc vào một khe núi hiểm trở, nhìn thấy thấp thoáng trên vách đá cheo leo bóng những nàng Ashima đội khăn sặc sỡ.
Đuổi đến nơi mới thấy đó chỉ là những cây nấm khác thường đang bám chặt vào vách đá bên mép vực thẳm. Vung kiếm chém, nấm đổ gục, nhưng rồi lại tái sinh. Rất có thể câu chuyện xưa được chủ nhà hàng Ashima khéo mượn để quảng cáo về sức sống kỳ diệu và những công dụng tuyệt vời của nấm.
Thế nhưng, thực tế là thực khách vẫn nườm nượp đổ về chuỗi nhà hàng này, nhất là vào những dịp lễ tết hay ngày đông lạnh giá. Muốn chắc chắn có bàn, bạn phải đặt trước.
Ông Đào Thế Vinh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của chuỗi nhà hàng rất tự tin khẳng định, trong kinh doanh nhà hàng, việc phục vụ duy nhất một món ăn có thể là hơi mạo hiểm, nhưng bù lại, món ăn có thể được nâng tầm đến trình độ chuyên nghiệp nhất. Theo một nghĩa khác, thực khách cũng hiểu rằng chúng tôi đã “đặt cược” tất cả vào món ăn đó”.
Ngoài Cổng Vàng “chung thủy” với một món ở chuỗi nhà hàng Ashima, còn có một chuỗi nhà hàng khác để khách hàng… tha hồ cảm nhận hương vị của lẩu băng chuyền Kichi Kichi.
Lẩu băng chuyền lần đầu tiên xuất hiện vào tháng 2 năm 2009 tại tầng 1 siêu thị Big C Hà Nội, sau đó chuỗi nhà hàng Kichi Kichi tiếp tục Nam tiến vào Sài Gòn và “Đông tiến” ra Hải Phòng. Ngoài 5 nhà hàng hiện có, 5 nhà hàng nữa đang rục rịch chuẩn bị khai trương!
Cũ người mới ta
Công bằng mà nói, Kichi Kichi cũng chỉ là lẩu với chất lượng món ăn không quá vượt trội so với các hàng lẩu khác. Cũng thịt bò, hải sản tươi sống với các loại rau củ quả. Cái thú vị chỉ là ở hình thức băng chuyền - vốn đã được phát kiến ra và phổ biến ở Nhật Bản từ… 50 năm trước.
Đó là những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, kinh tế Nhật cũng đang trong một giai đoạn cực kỳ khó khăn. “Một lần tình cờ”, ông Yoshiaki (Osaka, Nhật Bản) nhìn thấy dây chuyền chuyển bia của một nhà máy sản xuất bia và nảy ra ý tưởng đặt món sushi trên băng chuyền để thực khách tiện chọn món. Thức ăn chạy trên băng chuyền, 25 món/phút, theo lý giải của ông là “không nhanh hơn - để an toàn, không chậm hơn - để khách hàng không phải chờ lâu”.
Quả là một công đôi ba việc: đỡ công phục vụ, tạo thêm nhiều lựa chọn phong phú cho khách và… tiết kiệm nguyên liệu. Bởi ngoài chuyện nhiều thực khách “no bụng đói con mắt”, gọi rõ nhiều rồi bỏ, thì ngay cả nhà hàng nhiều khi cũng dọn ra lượng thức ăn quá “sức chứa” của thực khách, nhất là với những nhóm khách nhỏ lẻ.
Sau này, nhà phát kiến Yoshiaki được một tạp chí nổi tiếng của Anh mệnh danh là Mr Sushi-goround. Tuy chưa “nổi” bằng Mr Walkman, nhưng biệt danh thú vị này có thể coi là một giải thưởng phụ xứng đáng dành cho ông Yoshiaki bên cạnh những thành công từ lĩnh vực kinh doanh nhà hàng.
Và tất nhiên, không chỉ có món sushi mới có thể đặt trên băng chuyền. Hot pot bar - lẩu băng chuyền, là một biến thể. Ý tưởng về sự chuyển động không ngừng của người Nhật đang giúp cho chuỗi nhà hàng lẩu Kichi Kichi đang “phát triển không ngừng”.
Lẩu đi!
Trên thị trường lẩu không chỉ có hai dòng sản phẩm ấy của Cổng Vàng. Một số doanh nghiệp khác cũng đã có những tìm tòi riêng trong chất lượng và hình thức phục vụ món ăn.
Một thời, lẩu uyên ương (một nửa nước dùng được cho ớt khô cay xé lưỡi, nửa kia không cho ớt) với chiếc xe đẩy rau, thịt để thực khách tự chọn đã thu hút được rất nhiều thực khách “thường thường bậc trung” đến với lẩu Tứ Xuyên (trước nằm ở góc phố Trần Bình Trọng, nay đã chuyển lên Nghi Tàm - Hà Nội).
Vui mắt hơn, hấp dẫn thực khách trẻ trung thì có lẩu Xiên Xiên (167, đường Trần Phú, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh) theo phong cách của Singapore và Malaysia. Các loại thực phẩm đã gia giảm, chế biến khác nhau, được ghim lại thành xiên có giá từ 3.000 đồng tới 8.000 đồng cho 1 xiên (rau củ và các loại hải sản) ăn kèm với 4 loại nước chấm có hương vị khác nhau. Có thể ăn lẩu nướng hoặc lẩu với nước dùng. Kể cũng là vừa miệng và vừa túi.
Mùa thu đã sang, rồi sắp đến mùa đông. Dù giờ đây người ta ăn lẩu quanh năm (trong phòng máy lạnh), nhưng tiết trời se lạnh này rất dễ khiến người ta nghĩ đến món lẩu - một món dễ ăn, không khó làm, ai phục vụ khéo hơn, thú vị hơn sẽ… đầy túi!
Bài viết này được đăng theo thỏa thuận bằng văn bản giữa tạp chí Doanh nhân thuộc VCCI và Vietnam+ |