Với hoa màu trắng, cành non dài màu xanh, không có củ, hẹ rất giống các loại hành tăm thông thường. Điều này không có gì lạ vì cả hai cùng nằm trong họ hành. Tuy nhiên, hành tăm có mùi vị dịu, hẹ lại có vị mạnh kiểu tỏi nhưng không nồng như tỏi.
Hẹ giàu vitamin C, chứa một lượng lớn beta carotene, vitamin A, B1, B2, ka-li và sắt. Hẹ chỉ chứa 30 calorie/100g, ít béo, nhiều protein và chất xơ.
Trong hẹ có chất allicin, một loại dầu lưu huỳnh được dùng để làm lành các vết thương, vết cắt và vết côn trùng đốt. Hạt của nó dùng để chữa các bệnh về thận, gan và các bệnh tiêu hoá. Ngoài ra, hẹ còn được dùng để cải thiện tuần hoàn máu, chữa mệt mỏi và có tác dụng như chất giải độc cho hệ tiêu hoá.
Hẹ tươi có vòng đời ngắn. Bạn nên chọn loại hẹ lá xanh đậm, không úa.
Như các loại rau sống thông thường khác, hẹ chủ yếu có mặt trong các món cuốn. Ngoài việc trộn chung với các loại rau, hẹ còn có mặt trong món dưa giá. Trong món này, đu đủ, củ đậu và giá đóng vai trò chính, nhưng thiếu hẹ thì khó có thể thành dưa giá. Vị hăng hăng của hẹ làm cho dưa giá ngon hơn, ăn với món cá nấu ngọt hay cá kho có thể khử mùi tanh, tạo vị chua và thơm ngon hơn.
Với mì hoành thánh, hẹ thay thế hành lá làm rau nêm. Nếu hành thái nhỏ thì hẹ thái khúc ngắn, ăn hơi dai dai, có vị riêng, khác với hành lá.
Hẹ còn được thái nhỏ, xào với dầu (mỡ) thành món mỡ hẹ, thoa trên mặt đĩa bánh hỏi, bánh ướt... Thỉnh thoảng, bạn có thể thay mỡ hành bằng mỡ hẹ cho lạ miệng.
Phổ biến trong các bữa cơm gia đình là món canh hẹ nấu với đậu phụ. Có nhiều cách chế biến món canh này, chẳng hạn như kết hợp với thịt lợn băm nhuyễn...
Súp lá hẹ
Nguyên liệu:
400g lá hẹ, 1 lít nước dùng, 200g tôm, 1 thìa súp hạt nêm, 1 thìa súp bột năng, 1 thìa cà phê đường.
Thực hiện:
Tôm hấp chín, bóc vỏ, bỏ đầu, chừa đuôi. Lá hẹ rửa sạch, thái khúc, cho vào máy xay sinh tó, xay nhuyễn với một ít nước dùng. Cho hỗn hợp hẹ xay, nước dùng vào nồi, đun sôi, nêm hạt nêm, đường vừa ăn. Nấu súp hẹ khoảng 5 phút, cho bột năng hoà tan với nước vào nồi để tạo độ sánh. Sau cùng, khi súp chín, cho tôm vào và tắt lửa. Cho súp ra đĩa sâu lòng. Xếp tôm giữa đĩa súp để trông bắt mắt hơn. Món này dùng nóng.
Bí quyết:
Khi cho bột năng vào, bạn phải khuấy theo một chiều để súp không bị vữa.
Chả giò hẹ
Nguyên liệu:
150g thịt nạc dăm, 5 tai mộc nhĩ, 200g củ năng, 1 quả trứng gà, 100g hoa hẹ, 100g cà rốt, 1/2 thìa cà phê tiêu, 1 thìa cà phê đường, 2 thìa cà phê hạt nêm, dầu ăn, 1 xấp bánh tráng da xốp.
Thực hiện:
Thịt nạc dăm xay nhuyễn. Mộc nhĩ ngâm với nước ấm cho nở, thái nhuyễn. Củ năng luộc chín, thái hạt lựu. Hẹ thái nhuyễn. Cà rốt thái hạt lựu. Trộn đều thịt xay, mộc nhĩ, củ năng, cà rốt, hẹ với tiêu, hạt nêm, đường làm nhân. Trải bánh tráng ra đĩa, cho nhân lên, cuốn lại. Trứng gà vào bát, đánh tan. Nhúng chả giò vào trứng rồi cho vào chảo dầu nóng rán giòn. Dùng với nước mắm chua ngọt.
Bí quyết:
Có thể lăn chả giò qua bột chiên giòn.
Cá nướng hẹ
Nguyên liệu
1/2kg phi-lê các quả (cá lóc), 100g lá hẹ, 10g tỏi tây băm nhuyễn, 1 thìa súp ớt thái nhuyễn, 1 thìa súp hạt nêm, 1 thìa cà phê đường, 1 thìa súp dầu ăn.
Thực hiện:
Phi lê cá quả ướp với hạt nêm, đường, ớt, lá hẹ thái nhỏ, dầu ăn, tỏi tây, để khoảng 15 phút cho thịt cá ngấm đều gia vị. Sau đó, cho cá vào giấy bạc, gói lại, cho vào lò nướng khoảng 15 phút. Tắt lò. Lưu ý trước khi nướng, bạn phải bật lò khoảng 10 phút để ổn định nhiệt độ. Nếu có điều kiện, bạn có thể nướng cá trên bếp than. Cá sẽ có mùi thơm hấp dẫn hơn và thịt cũng ngọt hơn. Cá nướng chín dọn ra đĩa, dùng nóng mới ngon. Bạn có thể dọn kèm với bánh tráng, bún, các loại rau xanh tuỳ thích.
Bí quyết:
(Theo Vào bếp)