Cùng với đuông chà là, đuông dừa là một món ăn ngon nhưng tìm nguyên liệu lại không dễ dàng và không phải lúc nào cũng có.
Có một điểm độc đáo là nếu như đuông chà là, đuông cau, đuông mía,… chỉ có một con ở mỗi cây thì đuông dừa có khi lên đến hàng trăm con, mỗi con sống trong một lỗ riêng. Đuông dừa có một đặc điểm nữa là chúng không có một mùa nào cố định. Người ta thấy chúng thường xuất hiện trong hai trường hợp. Thứ nhất, chúng ăn những cây dừa còn sống, khi ấy dừa sẽ xụ đọt, lá vàng, xung quanh bẹ có nhiều lỗ khoét bằng ngón tay, có mạt dừa rớt ra ngoài. Thứ hai, chúng ăn những cây dừa đã đốn xuống, nhất là những cây đã được cưa ngang phần ngọn, đồng thời cũng có mạt dừa xuất hiện. Lưu ý, mạt dừa phải còn mới một chút, chứ cũ quá thì nhiều khả năng chúng không còn trong đó nữa.
Bắt đuông không cần nhiều dụng cụ, chỉ cần một cái búa, một cái mác, một cái thau hoặc rổ để đựng đuông. Tuy nhiên, bắt đuông lại tốn khá nhiều sức vì phải chặt, bửa, chẻ, thậm chí là phải cưa thân dừa ra để bắt. Đuông bửa xong, đem về nên rửa sơ sơ cho bớt mạt dừa, không nên rửa kỹ quá để tránh làm đuông chết. Sau khi rửa xong, tuỳ theo sở thích của mỗi người mà có cách chế biến khác nhau. Có người tẩm nước mắm ăn sống, có người lăn bột chiên, có người nướng, có người luộc nước dừa, có người nấu cháo,... Nhìn chung, món ăn từ đuông cũng khá phong phú và món nào cũng có hương vị riêng, lạ miệng và ngon. Khi ăn đuông hiếm khi người ta ăn kèm với các loại rau củ khác; còn thức uống thường là rượu chát, rượu cúc nhẹ, không hợp với rượu đế có nồng độ cồn cao. Khi ăn phải nhấm nháp để thưởng thức hết hương vị có một không hai của nó.
Hiện nay, đuông dừa rất hiếm. Với người trồng dừa, đuông là kẻ thù số một, nên họ cũng không có cách nào khác hơn là buộc phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo sự an toàn cho vườn dừa. Do vậy, không phải ai cũng có cơ hội trong đời để đi bửa đuông dừa.
(Theo Xuân Sắc/SGTT)