Giống tôm ở biển có lắm loại. Có một loại người ven vịnh Hạ Long khi sử dụng thường phải bỏ vỏ, vì vỏ của nó cứng, đó là tôm sắt. Không ít gia đình người Hạ Long xa quê vẫn luôn nhớ hương vị quê nhà mà tôm khô bóc nõn là một nét gợi dễ kiếm tìm.
Tôm khô bóc nõn. ảnh Vi Thuý
Tôi chưa trông thấy tôm sắt to bao giờ, cũng chưa trông thấy tôm sắt có trứng; chỉ thấy loại to nhất bằng cỡ cái bút bi Thiên Long trở xuống. Mua về, muốn ăn chúng, dù rang, rim hay để chế biến thành một món nào khác, người nội trợ phải ngồi bóc bỏ vỏ. Có lần tôi thử rang chúng cả con, loại nhỏ hơn bút bi Thiên Long, ăn thấy vỏ cứng, giòn, chóng vỡ vụn, gây khó chịu khi cảm giác có gì đó nhàm nhạp trong miệng.
Ở chợ người ta vẫn bán tôm sắt tươi, bởi nó rẻ hơn các loại tôm khác. Nhưng ăn tươi thường là mua một ít. Mua về, bóc lấy mình tôm để rang hay rim, hay sốt cà chua, hay để xào lẫn với một thứ rau nào đó, hay băm nhỏ để trộn với một vài thứ khác làm nhân cuốn chả nem; còn vỏ và đầu tôm thì bỏ vào luộc, gạn lấy nước nấu canh bầu, canh mùng tơi, canh rau cải... Song tôm sắt có nhiều ở chợ chúng có dạng khác, đó là tôm khô bóc nõn. Đừng nghĩ đây là thịt của loại tôm đã bị ươn, người ta mới chế biến thành tôm nõn khô. Nó chính là tôm sắt. Những mẻ tôm sắt đánh được nhiều bằng giã tôm, ngư dân thường đồ chúng lên, sau đó bóc vỏ, phơi hoặc sấy khô nõn tôm đem bán. Làm như thế, giá trị của một cân tôm sắt nâng lên nhiều. Một cân tôm khô bóc nõn có giá từ 150 đến 170 ngàn đồng tuỳ loại nõn tôm to hay nhỏ hơn.
Có lẽ vì tôm khô bóc nõn đắt, vả lại ai dại gì đi ăn những thứ khô trong khi thứ tươi đang có sẵn, nên người nội trợ vùng vịnh Hạ Long ít khi mua để dùng bữa. Song tôm khô bóc nõn lại đặc biệt có giá trị cho người sống ở xa quê, nhất là đang sống ở những vùng không gần biển, nó tham gia vào các món ăn, vừa ngon, lại vừa luôn gợi nhớ hương vị quê nhà. Nhất là, nó là thứ “gia vị” dành cho chế biến nhiều món thức ăn của người xa quê đang sống độc thân, bận việc, ngại đi chợ hay không có thời gian đi chợ, thì tôm khô bóc nõn như là một cứu cánh.
Đầu ngõ, có bà lão bán dưa, đi làm về tiện thể mua năm trăm hay một ngàn đồng; về, lấy một nhúm nõn tôm khô cho vào nước lạnh rửa qua rồi dùng dao đập dập thả vào nồi nước dùng để nấu canh, sau đó thì bỏ dưa vào, đun sôi lên, tra mắm muối cho vừa ăn, đun tiếp cho dưa mềm, rắc hành hoa, thì là, bắc xuống (mà chẳng có hành hoa, thì là thì hành khô cũng được; thậm chí không có cũng chẳng sao, chỉ làm cho nồi canh bớt ngon đi chút đỉnh). Thế là ta đã có món canh dưa nấu tôm thơm tho, ngon ngọt. Cách nấu nướng ấy còn là canh bí đao nõn tôm khô, canh bầu, canh rau mùng tơi, canh rau cải, rau muống vân vân và vân vân. Mùa thu se sắt, mùa đông giá rét, cơm vừa chín tới nóng hôi hổi ăn với canh nấu tôm nõn khô vừa bắc ở bếp xuống còn gì thú bằng!
Cũng là thịnh soạn khi dùng tôm khô bóc nõn để chế biến các món xào với bầu, với rau cải, với súp lơ...
Món chả nem mà nhân có một ít nõn tôm khô băm nhỏ trộn lẫn thì độ ngon tăng lên nhiều. Tiện đây nói đến bánh cuốn Bà Ngân nổi tiếng ở thành phố Hạ Long: trong nhân bánh của bà có nõn tôm khô chao dầu. Có lẽ đây là nét khu biệt dễ nhận thấy nhất so với các hàng bánh cuốn khác không dùng thứ tôm khô này.
Người Hạ Long xa quê nhiều khi vẫn thèm ăn cháo trắng? Cháo trắng húp nguội kèm với tôm khô bóc nõn rim hay đem rang mặn không thể không nói là kỳ thú.
Có là xa xỉ lắm không khi dùng tôm khô bóc nõn sốt cà chua, hay rang, hay rán lên làm thức đưa cay. Dù sao những món ăn, những thức nhắm như thế ở nơi đất khách quê người khiến ta nao nao nao nhớ quê nhà mà nhờ đó thấy bữa ăn ngon hơn, rượu uống vào chóng say hơn.
Bạn tôi kể, đang làm thì được cơ quan cử đi học chuyên tu ở Hà Nội. Mất hai năm. Khi làm luận án tốt nghiệp, giáo sư hướng dẫn là nữ. Mới kể chuyện cho vợ, bảo có chút quà biếu giáo sư, bằng phong bì, giáo sư nhất quyết không nhận, thấy áy náy. Vợ mách, nếu một chút quà quê, nói khéo có khi giáo sư vui lòng nhận, “để em lo giúp!”. “Tôi xách gói quà đến - bạn kể - nói với giáo sư rằng đây là một chút quà quê vợ gửi biếu giáo sư. Do chằng buộc kỹ, không tiện mở, hỏi đó là quà gì thì vợ không nói, chỉ tủm tỉm, cứ dặn là xin giáo sư vui lòng nhận, lại bảo trong gói quà có cả hướng dẫn cách chế biến. Thế là giáo sư đành phải nhận. ít lâu sau gặp lại giáo sư, bà bảo cho gửi lời cảm ơn chị nhà, chu đáo quá!”. Gói quà đó chính là tôm khô bóc nõn. Bạn bảo, hỏi vợ sao không là mực khô hay sá sùng khô? Vợ cười, nói đấy là thứ thức nhắm, chỉ lợi cho cánh đàn ông, còn với người phụ nữ phải nội trợ thì quà là tôm khô bóc nõn quý hơn nhiều...
Gia đình tôi có mấy đứa con đang sống ở Hà Nội. Đứa đang đi làm, đứa đang đi học, chưa có đứa nào lập gia đình riêng. Cố chắt chiu mua cho chúng được căn nhà nho nhỏ, chị em cùng sống, bảo ban nhau khi bố mẹ vẫn còn ở Quảng Ninh. Do sinh ra và lớn lên ngay ven vịnh Hạ Long, chúng luôn nhớ những món ăn từ biển. Thảng hoặc có dịp lên Hà Nội hay gửi được ai đó, nhà tôi chuẩn bị cho chúng cá một nắng hay hì hụi mua tôm (không phải tôm sắt) về rang; đôi khi là cá rán, thậm chí là ghẹ luộc. Lại còn mua cả hà về làm sạch, chia vào các túi nhỏ, bỏ vào ngăn đá tủ lạnh, sáng sau mang lên nấu cho chúng bát canh hà. Số còn lại cất vào ngăn đá, chúng có thêm một bữa canh hà nữa, hoặc chúng thích làm hà tẩm bột rán hay nấu cháo hà thì tuỳ. Nhưng “bền vững” nhất vẫn là tôm khô bóc nõn. Mỗi đợt gửi, chúng dùng trong 2 - 3 tháng, hết lại báo bố mẹ gửi lên, phù hợp cho chế biến món ăn khi chúng vẫn còn đang sống độc thân, giờ học, giờ làm việc túi bụi suốt ngày không có thời gian đi chợ.
Mà chả cứ những đứa trẻ đang sống như các con tôi, không ít gia đình người Hạ Long xa quê vẫn luôn nhớ hương vị quê nhà mà tôm khô bóc nõn là một nét gợi dễ kiếm tìm.
(Theo Trần Giang Nam/QuangNinh)