Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan: Nếu ứng xử đúng dân ca sẽ được tôn vinh

Cùng với GS-TSKH Tô Ngọc Thanh, NS Đặng Hoành Loan (Nguyên phó viện trưởng Viện âm nhạc) là một trong số ít những người say mê với những làn điệu âm nhạc mang bản sắc đặc trưng dân tộc Việt. Ông cũng chính là người chịu trách nhiệm khoa học trong việc lập hồ sơ để Ca trù được Unesco công nhận Di sản văn hoá phi vật thể. Ông đã có mặt tại cả 3 kỳ tổ chức Liên hoan dân ca Việt Nam. GS Đặng Hoành Loan có cuộc trao đổi với PV về những kinh nghiệm rút ra từ Liên hoan dân ca cho việc tôn vinh và truyền bá văn hoá dân tộc.

Ảnh: NS Đặng Hoành Loan trò chuyện cùng nghệ nhân.

Được biết ông vừa trở về với tư cách thành viên Ban giám khảo Liên hoan dân ca Việt Nam 2009 tại 3 khu vực, ông có thể nhận xét gì về những nét mới trong Liên hoan dân ca Việt Nam lần này?

Ấn tượng đầu tiên đó là nhiều cái mới được phát hiện. Ở khu vực Nam trung bộ mà tôi tham gia làm giám khảo đã khai thác được nhiều lối hát dân gian tập thể, phản ánh rõ nét vốn dân ca thực hành lao động vẫn còn tồn tại đậm đặc ở vùng biển duyên hải miền trung. Có nhiều bài dân ca rất cổ và lạ đã được tìm lại, đưa lên sân khấu. Ví dụ tiết mục dân ca kể chuyện bài chòi chải chiếu hay bài chòi rong, vốn vẫn còn lưu giữ nguyên sơ do chính những người dân vẫn sống bằng nghề biểu diễn chòi rong tại các đình, chùa gìn giữ. Hay một nông dân Quảng Ngãi đã tự sáng tạo ra chiếc Tà vố (một dụng cụ âm nhạc bằng đất) tiền thân của chiếc Huân trong âm nhạc cung đình, dụng cụ âm nhạc mà người Trung Hoa tự hào là chỉ nước họ có nhưng qua Liên hoan lần này đã chứng minh những người dân Việt Nam cũng đã tự sáng tạo và chơi dụng cụ Tà Vố như đặc trưng của dân tộc mình… Mỗi kỳ Liên hoan dân ca ta lại thấy vốn âm nhạc của người Việt ta cực kỳ phong phú và đa dạng. Đó cũng là bản sắc văn hoá mà ta cần gìn giữ và tôn vinh.

Bảo tồn, phát huy và tôn vinh các truyền thống âm nhạc dường như đang vấp phải sự khó khăn khi làn sóng âm nhạc ngoại lai ngự trị khả năng thẩm âm những khán giả thế hệ @?

Âm nhạc dân gian là nền tảng văn hoá của mỗi dân tộc. Không gìn giữ dân ca thì ta đang dần đánh mất giá trị tinh thần làm nên con người Việt. Từ Khu vực Nam Trung Bộ tôi thấy họ đã làm được một việc quan trọng trong việc bảo tồn phát huy dân ca, đó là có sự tham gia của các nghệ sĩ chuyên nghiệp. Qua đó có thể cho ta một cách thức bảo tồn. Bảo tồn ở không gian văn hoá. Nghệ sĩ chuyên hát dân ca theo lối hát chuẩn chứ không phải cách hát bị Phương Tây hoá, đó là mục đích ta phải hướng tới. Các nghệ sĩ miền trung đã hát đúng bản chất dân ca dù họ là dân chuyên nghiệp. Điều đó rất quan trọng. Điều này rất khó thực hiện ở khu vực Đồng bằng Sông Hồng bởi cứ dính tới chuyên nghiệp là đã bị cách tân lối hát. Trong khi các không gian lĩnh xướng đang mất dần mà chúng ta có rất nhiều đoàn nghệ thuật. Họ sẽ là người truyền bá dân ca hữu hiệu nhất. Tôi đi nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ, Campuchia, ở đó người ta đánh giá đẳng cấp của nghệ sĩ dân ca chính là việc họ thuộc bao nhiêu bản dân ca của nước họ. Khán giả trẻ không có không gian văn hoá thì họ cũng khó thưởng thức được dân ca. Nếu ứng xử đúng dân ca sẽ được tôn vinh.

Một tiết mục dự thi trong Liên hoan dân ca 2009 Khu vực Đồng bằng - Trung du  Bắc Bộ. (ảnh: Huyền Vũ)

Như ông nói dân ca là văn hoá, vậy làm sao để người ở không gian văn hoá này hiểu không gian văn hoá khác đồng nghĩa với việc âm nhạc dân gian được lan toả trong cộng đồng một cách tự nhiên, không phải là sự gượng ép?

Chính xác! Điều này không khó, quan trọng có làm hay không. Để văn hoá này hiểu văn hoá kia, người nước này hiểu người nước khác không có gì khác ngoài… giáo dục. Giáo dục ấy không gì bằng là tuyên truyền. Dùng tất cả phương tiện thông tin văn hoá làm cơ sở nghe mãi cũng quen. Quan họ trước năm 1954 chỉ có ở Bắc Ninh. Sau năm 1954, một cuộc tổng tuyên truyền đưa quan họ lên Đài, lên sân khấu thì giờ nổi tiếng toàn thế giới. Một điều kiện gây hướng cảm khác là tổ chức liên tục các dân ca. Liên hoan là anh này gặp anh kia, vùng này gặp vùng kia thành món ăn tinh thần được tiếp xúc được nghe lẫn nhau. Nếu ta tưởng tượng một năm một lần ta làm liên tục thì việc tiếp cận giao lưu dân ca các vùng miền tốt hơn. Nếu truyền hình không làm cuộc này thì không ai biết được. Nếu không ai biết thì nghệ nhân cũng không có ý thức bảo tồn. Khi họ được công chúng biết đến, tự dưng họ thấy được tôn vinh thì họ mới ý thức bảo tồn. Năm 1997, tôi có tổ chức một lễ hội văn hoá ở Tây Nguyên. Một già bản được trao kỷ niệm chương vì một làn điệu cổ. Rất nhiều năm sau này khi gặp lại, ông lại mang kỷ niệm chương ra khoe rằng đã từng được trao tặng và chính vì nó ông đã hết sức giữ gìn và truyền bá văn hoá cổ cho con cháu.

3 năm liền làm thành viên BGK Liên hoan dân ca Việt Nam, ông rút ra nhận xét gì sau những kỳ hội diễn?

Sau 3 năm giờ thì có nhiều lớp trẻ tham gia hơn những kỳ trước. Đó là điều quá đáng mừng chứng tỏ dân ca đã có lực lượng kế tục, không còn sợ bị mai một thất truyền nữa. Ý thức các đoàn ngày càng tốt hơn khi đã chủ động lựa chọn nhiều bản dân ca hay, phát hiện được nhiều giọng hát hay. Và đặc biệt, không chỉ những nghệ sĩ “nông dân” tham gia cuộc này, đã có lực lượng chuyên nghiệp hát dân ca đông đảo hơn, sung sức hơn. Đó là tín hiệu mừng về sự khôi phục bảo tồn và tôn vinh nền văn hoá âm nhạc dân gian của chúng ta.

Việc nhạc sĩ Quốc Trung sử dụng chất liệu dân gian trong album Đường xa vạn dặm, theo ông đó là cách ứng xử thế nào của nhạc sĩ hiện đại với dân ca?

Hay chứ, nhưng xin thưa đó không phải phạm trù bảo tồn mà ta đang nói tới. Người nhạc sĩ không phá dân ca. Đó là sự sáng tạo song song giữa âm nhạc đương đại với dân ca. Sự sáng tạo của nhạc sĩ là phạm trù luôn luôn biến động, không cố định không có giữ nguyên cảm xúc. Ngày mai có thể Quốc Trung không làm Đường xa vạn dặm nữa mà làm cái khác, Vũ Nhật Tân cũng vậy, những nghệ sĩ hiện đại luôn biển đổi. Chỉ một vài năm đã có quá nhiều sự thay đổi nên đã thấy nhiều sự tiên đoán rằng trong một vài năm tới âm nhạc, hội hoạ sẽ ngày tiệm cận đến với bản sắc văn hoá dân tộc cổ truyền. Chúng ta không đang tuyên truyền dân gian ra nước ngoài mà tuyên truyền bản sắc dân tộc ra bên ngoài. Đó là điều mà chúng ta cho thế giới thấy cách con người Việt Nam hiện đại ứng xử với thế giới, biết kết hợp giữa hiện đại và bản sắc dân tộc, không chỉ nằm trong các nghệ thuật biểu diễn mà nằm trong bản thân cuộc sống, bản thân cá thể mỗi con người Việt Nam.

NS Lương Nguyên: Tôi thấy tiếc Liên hoan dân ca chỉ làm hai năm/lần. Nếu mỗi năm/ lần sẽ tạo thành phong trào, làn sóng truyền bá vốn âm nhạc dân tộc tốt hơn. Truyền hình chỉ nghĩ là đem lại cho xã hội một chương trình gợi mở, tôi mong muốn nó còn mang nhiều ý nghĩa hơn thế. Chúng ta phải tận dụng truyền hình ở từng địa phương trong công cuộc khôi phục dân ca này. Ví dụ ở trong Nam chương trình Đờn ca tài tử đã thực sự đem lại sức sống cho loại hình âm nhạc. Vậy mà Bắc Bộ chưa tạo được phong trào như thế thông qua truyền hình địa phương. Tổ chức nhiều cuộc thi hát để kích thích vào cộng đồng, qua những hoạt động đó sẽ có những ý tưởng để khôi phục vốn văn hoá và phát huy bản sắc dân tộc đưa ra quốc tế.

GS- TSKH Tô Ngọc Thanh: Điều mà tôi muốn nhấn mạnh, cái gì của dân hãy trả về cho dân. Chính họ mới giữ được. Văn hóa cũng là một thực thể sống, đâu thể mang vào bảo tàng được. Chúng ta có sưu tầm, có lưu giữ các làn điệu bằng việc ghi âm thì cũng chỉ là cách bảo tồn chết mà thôi. Bông hoa đẹp, nếu ngắt đem cắm vào lọ thì nó vẫn đẹp, nhưng nếu chúng ta mang trồng trong vườn thì nó sẽ đẹp mãi mãi… Qua Liên hoan có thể thấy rằng dòng chảy truyền thống đang được nối lại, bởi có những em nhỏ hát hay thì phải có công dạy dỗ của những nghệ nhân. Dòng chảy ấy được thể hiện bởi sự nhiệt tình của người lớn và cả lớp con trẻ đang học lại những gì người lớn dạy.

NSƯT Huyền Thanh: Ban Tổ chức đã thay đổi cách thứ tổ chức Liên hoan dân ca lần này sao cho phù hợp với tình hình kinh tế và điều kiện sinh hoạt của bà con, vừa đảm bảo chất lượng tham gia dự thi vừa đảm bảo yếu tố ổn định trong sinh hoạt hàng ngày của người dân. Nếu như trước đây bà con mất 2 tuần bỏ ruộng nương để về trung ương dự thi thì bây giờ họ chỉ mất một vài ngày mà không phải xa rời cuộc sống thường nhật lắm. Đó là ý nghĩa việc tổ chức vòng loại và chung kết cho 6 khu vực trên toàn quốc của Liên hoan Dân ca 2009. Một điểm ý nghĩa nữa đó là việc sẽ có nhiều giải hơn so với mọi năm. Năm trước chỉ có 10 giải A, 20 giải B, 30 giải C được trao thì năm nay, dù còn một vòng chung kết khu vực Đông Bắc tại Bắc Kạn chưa diễn ra nhưng đã có tới 14 giải A, 24 giải B và nhiều giải C được trao như một hình thức động viên tinh thần hữu hiệu cho các nghệ sĩ dân ca.

(Theo VTV Đài truyền hình Việt Nam)

  • Ngọc Oanh sợ bị “xấu”
  • Lan Hương: Thử sức với nghệ thuật
  • Hãy im lặng khi không có gì đáng nói
  • Những giọt nước mắt ở trường quay
  • Quỳnh Nga: "Tôi khẳng định mình không đi phẫu thuật thẩm mỹ"
  • Chùm ảnh: Chạy thử nghiệm "Chìa khoá thành công"
  • Khởi quay phần 2 bộ phim "Nhà có nhiều cửa sổ"
  • Minh Tiệp: Bị hấp dẫn bởi những cô gái trí tuệ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
  • Giảm giá cực sốc hè 2013 tại Vincom Center Bà Triệu
  • Rầm rộ khuyến mãi 2/9
  • BigC giảm giá tới 50% hơn 1.300 sản phẩm
  • Thoả sức mua sắm với “crazy sale” tại Vincom Center
  • Hà Nội: Đăng ký Internet được dùng miễn phí MyTV và điện thoại cố định
  • Rầm rộ khuyến mãi "khủng" dịp 30/4
  • Vietnam Airlines bán giá siêu khuyến mại 3 ngày cuối tháng 4
  • Bay giữa TP.HCM, Vinh, Hải Phòng chỉ từ 650.000 đồng