Khi được hỏi về nghề phóng viên truyền hình, PV Phạm Kiên đã chia sẻ rất chân tình: "Có nhiều góc độ để nhìn nhận về nghề phóng viên truyền hình. Mỗi lúc lại thấy nó một khác và tôi đã tự xây dựng cho bản thân mình khá nhiều khái niệm khác nhau về nghề phóng viên truyền hình. Theo một cách giản dị nhất, tôi tự gọi mình là người kể chuyện. Tất nhiên nếu đã được trả lương để làm điều đó thì tôi cố gắng hướng đến sự chuyên nghiệp. Có nghĩa là câu chuyện phải được kể một cách hấp dẫn và quan trọng là không bao giờ tôi cho phép mình thành một kẻ kiếm chuyện làm quà"...
Nếu có thể tạo ra một sự so sánh, anh sẽ so sánh những điều mà anh đang làm, tức là phóng viên truyền hình với điều gì?
Có nhiều góc độ để nhìn nhận về nghề phóng viên truyền hình. Mỗi lúc lại thấy nó một khác và tôi đã tự xây dựng cho bản thân mình khá nhiều khái niệm khác nhau về nghề phóng viên truyền hình.
Theo một cách giản dị nhất, tôi tự gọi mình là người kể chuyện. Tất nhiên nếu đã được trả lương để làm điều đó thì tôi cố gắng hướng đến sự chuyên nghiệp. Có nghĩa là câu chuyện phải được kể một cách hấp dẫn và quan trọng là không bao giờ tôi cho phép mình thành một kẻ kiếm chuyện làm quà.
Khi mà quan sát các môn thể thao, tôi tự ép mình phải học tập những cầu thủ bóng đá. Tức là lúc nào cũng phải chuẩn bị tư thế sẵn sàng để đón nhận những đường truyền của đồng đội. Tin tức thời sự thì rất đa dạng và thông thường thì không ai biết ngày mai liệu sẽ xảy ra những chuyện gì. Và vì thế, các phóng viên Thời sự, cũng giống như các cầu thủ bóng đá, đôi lúc họ cũng phải nhận những đường truyền rất khó. Và nhiệm vụ của cầu thủ, chị biết đấy, là không được làm hỏng trận bóng. Muốn như vậy, thì chỉ có một cách là luôn trong tư thế sẵn sàng.
Một sự so sánh khác, tôi rất thích những gì thuộc về tự nhiên, đặc biệt là thế giới động vật. Có một điều khá thú vị, tôi thấy công việc của mình, ở một góc độ nào đó cũng giống như những con kiến. Những con kiến toả đi khắp nơi tha mồi, từng tí một. Tôi và các đồng nghiệp cùng vậy, toả đi khắp nơi, thu gom hình ảnh, âm thanh. Và cũng từng tý một. Mỗi lần bấm máy chỉ thu lượm được từ 5 đến 10 giây hình ảnh. Để có được 30 phút băng quay thô, chúng tôi phải di chuyển có khi hàng trăm cây số, bấm máy hàng trăm lần. Và tất nhiên, để quyết định thu lại một hình ảnh hay một âm thanh nào đó, chúng tôi, có nghĩa là tôi và những cộng sự của mình bao gồm quay phim và kỹ thuật viên đều phải bàn bạc rất kỹ về ý nghĩa của hình ảnh và âm thanh đó.
Và ở mức độ khó khăn và phức tạp nhất, đôi lúc tôi thấy mình làm nghề phản biện. Quả thực, trong khi thực hiện các phóng sự điều tra, tôi đã gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều người mà có lẽ họ phải được phong danh hiệu bậc thầy về nguỵ biện. Chúng tôi phản biện bằng cách sâu chuỗi, sắp đặt các dữ kiện lại với nhau và phơi bày trước công luận. Đó là công việc đầy khó khăn, nhưng cũng giống như người leo núi, cảm giác vượt qua đỉnh núi thật tuyệt diệu.
Có vẻ như các phóng viên truyền hình cần phải có rất nhiều kỹ năng?
Tất nhiên, kỹ năng và kiến thức. Thậm chí, ngay cả bây giờ, khi đã hành nghề phóng viên truyền hình được hơn 10 năm, chưa nói đến 4 năm ngồi trên ghế nhà trường học chuyên ngành báo chí truyền hình thì tôi vẫn thấy mình cần phải học thêm nhiều kỹ năng nữa.
Những kỹ năng nào khiến cho nghề phóng viên truyền hình trở thành một nghề thú vị?
Một kỹ năng mà ngày nào chúng tôi cũng phải thực hiện đó là …gọi điện thoại. Trong nghề gọi đây là kỹ năng liên hệ. Những phóng viên giỏi, bao giờ cũng là những người liên hệ giỏi. Không phải ai cũng muốn xuất hiện trên truyền hình, rất nhiều trường hợp, chúng tôi là khách không mời. Quả thực, tôi đã từng phải học rất nhiều về cách giao tiếp qua điện thoại, có lúc thì ngọt ngào, êm ái. Có những lúc thì quyết liệt, cảnh báo…và không ít trường hợp phải nài nỉ…Tóm lại là khi buộc ai đó phải nghe một cuộc gọi không hẹn trước, việc đầu tiên tôi phải làm là không để người đó cúp máy. Có những trường hợp, đối tượng cần phỏng vấn tắt máy điện thoại di động và tôi buộc phải treo một cái tin nhắn lên để khi họ mở máy là mình biết và gọi điện ngay….
Anh có nói, nghề phóng viên truyền hình là nghề kể chuyện bằng hình ảnh và âm thanh. Quả thực là nhiều lúc, với tư cách là một khán giả, tôi không hiểu làm thế nào mà các anh lại có được những hình ảnh hoặc là âm thanh rất ấn tượng và đặc biệt?
Những hình ảnh và âm thanh luôn có sẵn và tồn tại khắp nơi trong cuộc sống. Vấn đề là phải phát hiện ra nó và nghĩ ra cách để ghi lại được. Thực ra, có nhiều hình ảnh thì chỉ cần sự vất vả và chịu khó một chút. Nhưng cũng có những hình ảnh và âm thanh mà để có được thì phóng viên phải chấp nhận mạo hiểm, chấp nhận một tỷ lệ rủi ro nào đấy cho thiết bị máy móc, thậm chí là cho chính bản thân anh ta. Tất nhiên, khi đã xác định là có rủi ro thì lại phải tính toán phương án phòng ngừa. Còn âm thanh, âm thanh thu hút sự chú ý của khán giả các chương trình thời sự hầu hết là những lời phát biểu, những câu nói tự nhiên nhất, chân thực nhất. Sự tốt đẹp, khôn ngoan hay giả dối đôi khi được bộc lộ một cách rõ nét trong những lời phát biểu. Và để có được điều này phần lớn phụ thuộc vào kỹ năng phỏng vấn của các phóng viên. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã được dạy rằng: Phần lớn những câu trả lời không có thông tin đều là kết quả của những câu hỏi tệ.
Trường hợp rủi ro nhất mà anh từng gặp phải là gì?
Là không ghi được hình ảnh và âm thanh mà mình muốn. Tôi đã từng bị các chiến sỹ cửa khẩu biên phòng tạm giữ và lập biên bản hành chính vì đi dạo trong khu vực cửa khẩu vào lúc 1 giờ sáng mà không có bất cứ một thứ giấy tờ tuỳ thân nào. Đó là một sơ suất. Nhưng cơ hội để khảo sát và tận mắt chứng kiến hoạt động bốc dỡ hàng hoá vào ban đêm ở trên sông Sài Gòn không phải lúc nào cũng có. Tôi đã mạo hiểm. Và tôi đã thất bại trong việc ghi lại hình ảnh của một số đối tượng chuyên lấy trộm hàng ở cảng Sài Gòn vào ban đêm.
Tôi thấy trên truyền hình có những hình ảnh mà chắc chắn đối tượng được ghi hình không biết ? Như vậy có phạm luật không?
Luật cho phép chúng tôi được ghi hình ở những nơi không cấm. Thông thường, trong những trường hợp một đối tượng nào đó từ chối cung cấp thông tin và rồi chính bản thân họ lại phủ nhận sự từ chối. Để bảo vệ tính khách quan cho chương trình, các phóng viên có kinh nghiệm thường cẩn thận ghi hình lại quá trình làm việc giữa hai bên. Bất đắc dĩ mới đưa hình ảnh và âm thanh đó vào nội dung. Trong những trường hợp như vậy, chị sẽ thấy có cả sự xuất hiện của phóng viên. Điều đó có nghĩa đó là sự phản ánh quá trình tác nghiệp của phóng viên chứ không phải là phản ánh một vấn đề riêng tư.
Làm thế nào mà thông tin trong chương trình Thời sự luôn đa dạng phong phú như vậy, các anh lấy nguồn thông tin ở đâu ra?
Việc xây dựng nguồn tin cũng là một trong những kỹ năng quan trọng của bất kỳ phóng viên nào. Mỗi người có một bí quyết riêng để khai thác thông tin. Có một cách rất đơn giản mà hiệu quả là chia sẻ nguồn thông tin mà mình có được với các đồng nghiệp và nhận lại sự chia sẻ khi họ có thông tin. Ngoài ra, chị cũng biết, các bản tin Thời sự là một trong những phương tiện truyền thông mạnh nhất và cũng là một diễn đàn lớn. Rất nhiều tầng lớp trong xã hội mong muốn được nói tiếng nói của mình ở đó. Cũng chính vì thế, thông tin đổ vào bộ phận tin Thời sự của Đài truyền hình VN cũng rất nhiều và việc của chúng tôi là sàng lọc.
(Theo Hoàng Mai // VTV Đài truyền hình Việt Nam)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |