Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

'Trâu chiến' Anh Tú

Tự nhận mình là 'thằng trâu chiến' làm đủ thứ việc để nuôi tình yêu sân khấu: dựng vở, đi dạy, quản lý đoàn kịch 1 Nhà hát Tuổi trẻ. Người ta gọi anh là đạo diễn trẻ Anh Tú dù anh đang ở tuổi 50.
Minh họa của Nguyễn Xuân Hoàng
Minh họa của Nguyễn Xuân Hoàng.

Ghét kiểu “Lan ơi ngồi xuống đi em”

NSƯT Anh Tú phụ trách đoàn kịch 1 Nhà hát Tuổi trẻ. Tạo vai diễn và công việc đều đặn cho họ cũng khó đấy chứ?

Tôi cũng chiến đấu suốt, trừ những lúc tôi đi dạy hay dựng cho các nhà hát khác. Mà không chỉ tôi đâu. Cả anh Chí Trung (đoàn 2), chị Lan Hương (đoàn thể nghiệm hình thể) đều lăn lộn với Nhà hát này. Vì bọn tôi lăn lộn nên mới có hoạt động, mới sáng đèn thường xuyên, chứ kịch VN, kịch Hà Nội họ chả cần.

Nhưng có phải 30 người trong đoàn, ai cũng yêu nghề như anh đâu?

Dĩ nhiên, nhiệm vụ của mình là truyền nghề, truyền tình yêu sân khấu cho họ. Họ diễn được một vai hay, là tôi hạnh phúc lắm. Giống như tôi ngày xưa đã được NSND Xuân Huyền, NSND Phạm Thị Thành, NSND Lê Hùng, tạo dựng qua các vai diễn và vở diễn. Nhiều đoàn thích làm việc với tôi vì tôi tỉ mỉ cẩn thận trong diễn xuất và nhìn ra được bệnh trong diễn xuất.

Nhìn ra bệnh mới chữa được. Bệnh chung của sân khấu, truyền hình và điện ảnh VN, ví dụ nhé: Lan ơi ngồi xuống đi em, Kìa anh Huấn đã về đấy à? Đã yêu nhau, đã là vợ chồng, ai lại nói như vậy. Khán giả cứ thấy giả giả, thì làm sao truyền đạt được cái gì. Phải thật, phải tin được đã rồi mới tính tới cái hay.

Anh là một đạo diễn trẻ hiếm hoi được bận rộn?

Sáng nào được dậy muộn, đi làm muộn là sướng lắm. Ngoài vai quản lý đoàn 1, tôi đi dựng vở cho các đoàn, các nhà hát (nếu được mời), đi dạy thêm ở Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Cũng là cái gien đấy, hồi trước bố mẹ tôi làm nghề giáo mà.

Anh vẫn mong muốn diễn với Lê Khanh như đã cùng nhau trong Vũ Như Tô, Bến bờ xa lắc, Rừng trúc?

Kể ra, lúc già già kiếm được vở hay, đạo diễn tốt, một vai hợp với mình, mà lại được gặp nhau trên sân khấu, đóng cùng nhau thì rất thú vị. Cùng nhà hát mà chục năm nay có diễn chung với nhau đâu, từ sau vở Rừng trúc.

Ở Lê Khanh có điều gì khác biệt khi đóng cùng?

Mỗi người có một sự thú vị tạo phấn hứng cho mình. Lê Khanh có cái hay của Lê Khanh, Lan Hương có cái hay của Lan Hương, Minh Hằng, Ngọc Huyền đều có cái hay riêng. Khi đóng phim cũng thế.

Lâu lắm anh không đóng phim truyền hình?

Mười mấy năm nay tôi không làm. Bận quá. Riêng ở nhà hát, tôi đang dựng chương trình Trung thu cho trẻ em. Đến từ sáng, mười giờ đêm mới về.

Bận như thế, nhưng có vẻ anh vẫn là người đọc nhiều. Thời gian đâu anh?

Tôi chịu khó đọc thôi, chứ đọc rất nhiều thì không phải. Hay đọc truyện ngắn, còn tiểu thuyết hơi ngại. Cái đọc quan trọng lắm. Đọc để lấy kiến thức, lấy sự rung cảm, sự trải nghiệm, nhiều khi nó làm mới cảm xúc, làm mới nhịp đập trái tim của mình. Cái đó rất cần với diễn viên, bởi mỗi vai diễn là một thanh xuân, một sự tươi mới. Diễn viên trẻ bây giờ ít chịu đọc. Lười quá. Đó là một trong những lý do chục năm nay không có diễn viên nào bứt lên được.

Ảnh: Thế Toàn
Ảnh: Thế Toàn.

Bỏ tiền túi dựng kịch

Anh làm từ sân khấu thiếu nhi, rối, hài kịch đến chính kịch. Sân khấu cho anh những gì?

Chính kịch là thứ tôi thích nhất và khó nhất. Các cụ bảo vẽ ma quỷ dễ hơn vẽ trâu bò. Những gì gần mình nhất là khó thể hiện nhất. Đóng được tâm lý rồi thì nhảy sang hài kịch, chính kịch, bi kịch rất dễ. Anh làm chủ được hành động tâm lý, từ đó anh tung tẩy được.

Tôi sống chết với sân khấu, và sân khấu cho tôi rất nhiều: hạnh phúc, tiền, cuộc sống. Tôi quan niệm thế là đủ. Chỉ cần có sức khỏe, sự sáng tạo dành cho sân khấu. Bởi vậy, khi truyền hình, điện ảnh mời, tôi chẳng mặn mà gì lắm. Một thứ xuất sắc còn hơn nhiều thứ nhàng nhàng.

Kiều Loan là vở đầu tiên anh dựng trong tư cách đạo diễn và phải bỏ tiền túi ra. Bây giờ, nếu có trường hợp tương tự, anh còn dám đầu tư không?

Đầu tư chứ. Tôi còn nhiều dự án hay lắm. Nếu xin tài trợ không được, tôi sẵn sàng bỏ tiền ra. Chẳng hạn tôi đang thai nghén một chương trình nhạc kịch và hình thể, trong đó tôi chuyển thể toàn bộ những trích đoạn tuồng hay nhất Việt Nam, nhưng không diễn bằng ngôn ngữ tuồng mà bằng ngôn ngữ hình thể hiện đại và các ca khúc. Làm được cái này, tôi sẽ làm tiếp với chèo. Mình không đưa tuồng, chèo ra để phá mà nghĩ tiếp và làm mới dựa trên nguyên liệu của các cụ.

Ví dụ nhé, Hồ Nguyệt Cô bị Tiết Giao đoạt viên ngọc đành phải làm kiếp cáo. Mười lăm năm sau, Tiết Giao tàn tạ trở lại khu rừng nơi ông ấy đoạt viên ngọc, thì sẽ thế nào. Rồi Súy Vân giả điên giả dại mãi, bỗng một ngày Súy Vân không biết mình điên giả hay điên thật thì thế nào. Nó hay lắm, với những cắt nghĩa mới. Làm cái này như đi câu ấy, mình ngãng ra một thời gian, đi xin tài trợ các nơi, không được thì lên kế hoạch bỏ tiền túi, lập ê-kip.

Vợ anh có đồng ý để anh mang tiền đi đầu tư như thế không?

Gia đình tôi không can thiệp sâu vào những chuyện này. Đó là tiền tôi dành dụm được từ sân khấu, không phải quỹ riêng đâu nhé. Tôi có lấy tiền của ai đâu, với gia đình tôi vẫn chi tiêu đầy đủ. Vợ tôi không dính líu đến nghệ thuật, làm ở một công ty tư nhân.

Cũng yêu thích kịch nhưng bận rộn công việc, bìu ríu con cái nên ít đi xem. Bố mẹ tôi thì trên 70 cả rồi, nhà lại xa, cũng ít xem. Dù ai cũng thích kịch. Dăm bảy năm nay, tôi mất đi cái niềm vui được gia đình là những người đi xem vở mình đầu tiên.

Anh có tưởng tượng đến lúc hướng nghiệp cho con trai?

Chưa, cháu nó mới học lớp 1. Chưa tính xa thế.

Anh Tú trong vở
Anh Tú trong vở "Macbeth".

Sân khấu nhiều bệnh lắm

Qua những vở của Nguyễn Huy Thiệp hay Lưu Quang Vũ, hình như anh thể hiện mình là đạo diễn biết chọn kịch bản hay?

"Tôi vẫn nói rằng sân khấu đang mắc “căn bệnh sợ”. Biết đâu trong đó có cả tôi. Nhiều bệnh lắm, bệnh cũ kỹ, bệnh hình thức chủ nghĩa, bệnh biết mà không làm."

Từ rất lâu rồi, sân khấu VN khan hiếm kịch bản hay. Hồi xưa có lứa tác giả rất oách: Xuân Trình, ông Trần Vượng, Tất Đạt, Sĩ Hanh, Đào Hồng Cẩm, Nguyễn Đình Thi. Sau đấy là lứa Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Quang Vinh, Nguyễn Đình Chính, và sau đấy nữa là hầu như không có ai. Hoặc là có mà chán, nhạt. Tôi đọc tập kịch bản 8X rồi, nhạt lắm! Tưởng tuổi trẻ sâu sắc, mới lạ, hóa ra không được điều gì. Khan hiếm, nên tôi quay lại đọc những kịch bản cũ, và cố tưởng tượng ra những gì mình vẫn còn khai thác được cho ngày hôm nay.

Cũng lạ, hồi tháng 3 tôi dẫn đoàn đi Sài Gòn, diễn vở khai thác lại nhưng rất ăn khách, là vở Tôi đi tìm tôi phần 2 (kịch bản của Sỹ Hanh). Uống cà phê với đồng nghiệp chợt nghĩ: Ước gì được dựng một vở của Lưu Quang Vũ! Xong đợt diễn khoảng một tháng, nhà hát lại cho khởi công vở Cô gái đội mũ nồi xám.

Anh định làm tiếp kịch của Nguyễn Huy Thiệp, sau Sang sông?

Nguyễn Huy Thiệp còn một vở rất hay, là Quỷ ở với người chuyển thể từ truyện ngắn Không có vua. Đây là vở hay nhất của ông Thiệp cho đến bây giờ. Tôi rất thích dựng từ lâu. Nhưng nói thật là vở này hơi gai, nhiều mảng tối. Thời điểm này còn nhạy cảm, chưa dựng được.

Hồi trước, anh từng công kích bệnh sợ của làng sân khấu mà?

Hai cái khác nhau. Nỗi sợ khác, bệnh sợ khác. Mà tôi phải nghĩ tới tính khả thi, vì quẳng một cục tiền ra, bao nhiêu người tập hàng tháng trời, không được duyệt thì nguy. Và tôi vẫn nói rằng sân khấu đang mắc “căn bệnh sợ”. Biết đâu trong đó có cả tôi.

Làm sân khấu mà, chắc chắn tôi cũng có một tý bệnh sợ rồi. Nhiều bệnh lắm, bệnh cũ kỹ, bệnh hình thức chủ nghĩa, bệnh biết mà không làm. Biết rõ mọi mảng tối của sân khấu mà không chịu thay đổi, không chịu làm quyết liệt, có khi thành tội chứ không phải là bệnh! Rất may, tôi chỉ là thằng nghệ sỹ, thằng trâu chiến thôi.

Như anh nói, theo khảo sát của đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết về thu nhập của nghệ sỹ, lương anh đang là loại ba, sau bao nhiêu cống hiến, huy chương, danh hiệu, giải thưởng. Mà anh còn may vì dính tý chức. Còn những diễn viên khác, nếu họ vì mưu sinh mà đóng phim đến quên tập ở đoàn thì anh xử lý thế nào?

Tùy mức độ. Hồi đầu năm, tôi vừa kỷ luật một cậu, vì nói dối để đi đóng phim, nghỉ bốn tháng liền. Anh em đều khó khăn, chúng tôi luôn tạo điều kiện để họ kiếm sống và cống hiến cho cả các lĩnh vực khác như truyền hình, điện ảnh. Đều là nghề diễn xuất cả. Tôi cho Đức Khuê nghỉ suốt, đi quay phim, làm quảng cáo, nhưng có những buổi tôi chốt rồi là cấm có nghỉ ngơi gì. Nhà hát có kỷ cương, nhưng tôi không biến nó thành trại lính.

Rất đông đạo diễn trẻ chưa được hành nghề. Anh thấy mình may không?

Thì cứ khiêm tốn nói là mình may mắn đi. Mà may thật. May là tôi không lao vào đóng phim truyền hình, may là tôi kinh doanh thất bại nên tôi vẫn nguyên vẹn là người của sân khấu. Hồi trước, tôi mở cửa hàng ăn uống và tâm niệm nếu có lãi sẽ bỏ hẳn sân khấu. Nhưng, tôi lỗ chổng vó. Bây giờ, tuổi 50 rồi, cũng chẳng mộng kinh doanh nữa. Số tôi đi buôn không hợp. Cách đây lâu lắm rồi, anh em rủ nhau buôn cà phê từ Tây Nguyên về Sài Gòn bán. Mua cà phê ở Đắk Lắk giá 20, về Sài Gòn người ta bán chỉ 16. Nghệ sỹ buồn cười lắm. Và vì thế, tôi vẫn là người làm sân khấu.

Cảm ơn anh!

(Theo Trần Thanh // Tienphong Online)

  • Giải mã hiện tượng Hoài Linh
  • Đàm Vĩnh Hưng: 'Biết đâu tôi cưới... đàn ông'
  • 'Lật ngửa' ván bài cuộc đời Chánh Tín
  • Lý Băng Băng - biến thành quý bà trên Bazaar
  • Ấn tượng cùng Eniko Mihalik
  • Châu Tấn đẹp lạ lùng trên Cosmopolitan
  • Marisa Miller gợi cảm trên tạp chí FHM
  • Irina Sheik nóng bỏng trên tạp chí GQ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
  • Giảm giá cực sốc hè 2013 tại Vincom Center Bà Triệu
  • Rầm rộ khuyến mãi 2/9
  • BigC giảm giá tới 50% hơn 1.300 sản phẩm
  • Thoả sức mua sắm với “crazy sale” tại Vincom Center
  • Hà Nội: Đăng ký Internet được dùng miễn phí MyTV và điện thoại cố định
  • Rầm rộ khuyến mãi "khủng" dịp 30/4
  • Vietnam Airlines bán giá siêu khuyến mại 3 ngày cuối tháng 4
  • Bay giữa TP.HCM, Vinh, Hải Phòng chỉ từ 650.000 đồng