1. Rau củ
Giàu dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể, rau củ vốn có hàm lượng calorie thấp và chứa nhiều chất xơ. Thêm nhiều rau vào bữa ăn có nghĩa bạn sẽ tiêu thụ ít đường (làm tăng đường huyết) và chất béo bão hòa (tăng kháng insulin). Mỗi ngày nên ăn 4 hoặc 5 phần rau sống (một phần = ½ chén rau nấu chín hoặc đóng hộp, hoặc 1 chén rau sống). Rau củ giàu tinh bột, gồm khoai tây, bắp, đậu – chứa nhiều calorie cao hơn các loại khác.
2. Trái cây
Tương tự như rau củ, trái cây cũng đầy ắp các chất dinh dưỡng cần thiết, ít chất béo, giàu chất xơ với lượng calorie thấp hơn hầu hết các thực phẩm khác. Trên hết, trái cây dồi dào chất chống ôxy hóa giúp bảo vệ thần kinh, mắt và tim mạch. Do hàm lượng đường tự nhiên và calorie trong trái cây nhiều hơn hầu hết các loại rau củ, nên bạn không thể ăn “thả cửa”.
Mỗi ngày chỉ nên ăn 3 hoặc 4 phần (một phần = 1 trái, hoặc ½ chén trái cây đóng hộp hay nấu chín, hoặc 1 chén trái cây tươi). Nên ăn nguyên trái thay vì ép lấy nước uống.
3. Đậu
Đậu là nguồn cung cấp tuyệt vời chất xơ thực phẩm, không chỉ làm cho bạn cảm thấy no lâu hơn, nó thực sự còn giúp ổn định đường huyết sau bữa ăn. Tác động này mạnh đến nỗi thậm chí có thể hạ lượng đường huyết tổng thể.
4. Ngũ cốc
Ăn sáng với ngũ cốc là cách tốt nhất để nạp chất xơ cho cơ thể. Các nghiên cứu cho thấy những người khởi đầu ngày mới với ngũ cốc giàu chất xơ, các bữa còn lại sẽ ăn ít hơn. Vì vậy, không nên bỏ qua bữa điểm tâm.
5. Cá
Cá là nguồn cung cấp đạm tuyệt vời và là nguồn thay thế các loại thịt nhiều mỡ. Ngoài ra, mỡ cá giàu axít béo omega-3, có tác dụng ngăn ngừa tắc nghẽn động mạch. Người bệnh tiểu đường thường có lượng triglyceride (mỡ) trong máu cao và cholesterol “tốt” thấp. Axít béo omega-3 có thể cải thiện cả hai mặt này. Nên ăn cá ít nhất 2 lần/tuần. Nguồn cung cấp omega-3 tuyệt vời là cá hồi, cá thu và cá ngừ.
6. Ức gà
Nhiều nạc và ít calorie, ức gà là nguồn thực phẩm kỳ diệu. Không giống bít tết và hamburger, ức gà ít chất béo bão hòa - làm tăng lượng cholesterol “xấu” và có thể tăng kháng insulin, khiến việc kiểm soát đường huyết trở nên khó khăn hơn. Một phần ức gà (85 g) lóc bỏ da chỉ chứa 142 calorie và 3 gam chất béo. Ức gà tây thậm chí nhiều nạc và ít calorie hơn.
7. Quả hạch
Quả hạch chứa nhiều chất béo “tốt” giúp ngăn ngừa bệnh tim. Nhóm chất béo này còn giúp giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết dễ dàng hơn. Quả hạch còn là một trong những nguồn thực phẩm giàu vitamin E, chất chống ôxy hóa có tác dụng bảo vệ các tế bào và có thể giúp ngăn ngừa tổn thương thần kinh và mắt. Nó có thể giúp điều hòa lượng đường trong máu nhờ chứa nhiều chất xơ và magiê. Các nghiên cứu cho thấy quả hạch thậm chí có thể giúp giảm cân. Nhưng đừng quên, loại quả này có lượng calorie cao.
8. Dầu ô-liu
Dầu ô-liu được xem là chất béo “tốt” có tác dụng giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và giúp ổn định đường huyết bằng cách giảm kháng insulin. Nên dùng dầu ô-liu để chế biến thức ăn thay cho bơ hoặc mỡ.
9. Sữa chua
Sữa chua giàu đạm và canxi giúp giảm cân hiệu quả. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những người ăn nhiều thực phẩm giàu canxi dễ giảm cân hơn và ít có nguy cơ mắc chứng kháng insulin hơn.
10. Bột quế
Chỉ cần rắc một ít bột quế lên thức ăn, bạn có thể hạ đường huyết của mình. Các thành phần trong bột quế giúp cơ thể sử dụng insulin hiệu quả hơn, vì thế đường có thể thâm nhập vào các tế bào nhiều hơn. Theo một nghiên cứu gần đây, ở người bệnh tiểu đường, mỗi ngày chỉ cần 1/2 thìa cà phê bột quế có thể giảm đáng kể lượng đường huyết. Ngoài bột quế, bạn cũng có thể ngâm thanh quế (khô - ảnh) vào nước nóng chế thành món trà quế có tác dụng an thần.
(Theo CTO/ Reader’s Digest)