Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bài thuốc chữa 'chứng bệnh khó nói'

Có người vừa cười to hoặc vừa hắt hơi, bỗng nhiên lúng túng, im thin thít, đỏ mặt, rồi lát sau thấy len lén đi ra ngoài, vào nhà vệ sinh. Đó chính là những chị em bị mắc một chứng bệnh ... khó nói, mà dân gian gọi là "đái són" hoặc là "són tiểu".
 

Đẳng Sâm

Số liệu thống kê cho thấy, có tới gần 30% phụ nữ độ tuổi trung niên bị mắc chứng bệnh này và tỷ lệ mắc bệnh còn tăng lên cùng với tuổi tác. Bệnh mặc dù không nguy hiểm chết người, nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, dễ mất tự tin, gây nhiều phiền phức trong sinh hoạt, cuộc sống gia đình.

Vì người bệnh  không dám cười to, phải nhịn ho, sợ hắt hơi, sợ bị chồng chê vì có khi đang yêu lại rỉ ra giường, không dám đi du lịch...

Mặt khác, do vùng háng và quần lót thường bị ẩm do són tiểu, nên cơ quan sinh dục ngoài dễ mắc bệnh chàm, bị nhiễm khuẩn, dẫn tới viêm nhiễm đường tiết niệu, ...

"Són tiểu" là một loại hình của căn bệnh, mà y học gọi là "Tiểu tiện không thể kiềm chế" (Urinary incontinence). Để có thể tiểu tiện một cách chủ động, phải có sự hoạt động nhịp nhàng giữa cơ bàng quang và cơ thắt niệu đạo, dưới sự chỉ huy của đại não.

Trường hợp thần kinh tủy sống hoặc khung chậu bị tổn thương, đường truyền tín hiệu chỉ huy từ đại não có thể bị cắt đứt. Khi đó, quá trình bài tiết nước tiểu được thực hiện dựa hoàn toàn vào phản xạ bẩm sinh: Chỉ cần áp lực trong bàng quang lên tới mức độ nhất định, cơ bàng quang tăng co bóp, đẩy nước tiểu xuống, đồng thời cơ thắt niệu đạo cũng mở ra theo phản xạ, và nước tiểu tự động bài tiết ra ngoài. Đó là tình trạng "Tiểu tiện không tự chủ", hay "Tiểu tiện không thể  kiềm chế" (Urinary incontinence).

"Tiểu tiện không tự chủ" bao gồm nhiều loại hình. Nhưng hay gặp nhất là loại hình  "Tiểu tiện không tự chủ do áp lực" (còn gọi là "Tiểu tiện không tự chủ ứng lực").

Nguyên nhân chủ yếu là do "cơ thắt cổ bàng quang" và "cơ thắt niệu đạo" bị tổn thương, bị xơ cứng, bị nhão (do cơ thể suy yếu, tuổi cao,  sinh hoạt tình dục quá độ, sinh đẻ quá nhiều...), không đủ sức thắt  kín, khiến nước tiểu từ bàng quang tràn xuống niệu đạo, tự chảy ra ngoài.

Khi ho, cười to, hắt hơi, nâng vật nặng, đi nhanh, ... áp lực trong khoang bụng đột nhiên tăng lên, đè lên bàng quang, làm tăng áp lực, khiến nước tiểu tràn xuống niệu đạo, do cơ thắt cổ bàng quang và cơ thắt niệu đạo không thể thắt chặt và són ra ngoài. Đây là thể bệnh phổ biến nhất và tỷ lệ mắc bệnh ở nữ giới cao hơn nam giới.

Theo Đông y, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới hiện tượng tiểu tiện không thể kiềm chế, là do "Thận khí bất cố" (Thận khí không kiện toàn, chức năng khí hóa bị suy yếu) và "Bàng quang thất ước" (Chức năng ước thúc, kiềm chế, điều tiết nước tiểu của hệ thống bàng quang - niệu đạo bị trục trặc).

Để chữa trị, Đông y chủ trương kết hợp các biện pháp dưỡng sinh, các bài tập khí công, để tăng cường sức khỏe toàn thân, nhất là hệ thống cơ nhục ở khung chậu; Đồng thời, sử dụng một số loại thuốc có tác dụng "cố thận nhiếp niệu" (củng cố tạng thận, tăng cường chức năng khí hóa của tạng thận và khả năng ước thúc của bàng quang, niệu đạo).

Người mắc bệnh tốt nhất nên tìm đến phòng khám Đông y đáng tin cậy, để được các thầy thuốc chẩn bệnh và hướng dẫn một cách cụ thể. Tuy nhiên, cũng có thể áp dụng thử một số bài thuốc dưới đây.

Bài thuốc tiêu biểu:

Thành phần: Đẳng sâm 15g, hoàng kỳ 20g, bạch truật 10g, thăng ma 6g, sài hồ 6g, trần bì 9g, đương quy 9g, sơn dược 20g, thỏ ty tử 10g, ô dược 6g, ích trí nhân 10g, khiếm thực 10g.

Gia giảm: Nếu kèm theo bụng trướng: thêm tiểu hồi 6g, chỉ xác 6g; Nếu chân tay lạnh, sợ rét: thêm nhục quế 6g, phụ tử chế 4g.

Cách dùng: Sắc nước uống mỗi ngày 1 thang, chia 2-3 lần uống trong ngày; liên tục 3 tháng (một liệu trình).

Tác dụng: Bổ tỳ thăng dương, ôn thận cố nhiếp.

Trị liệu phụ trợ: Cùng với việc uống thuốc, nên kết hợp luyện tập thân thể theo phương pháp "đề giang" (co, nâng cơ hậu môn, như khi phải cố nhịn đại tiện),  ngày tập 1 lần, mỗi lần 1-2 phút. Ngoài ra, khi tiểu tiện, nên cố tình khống chế, không tiểu liền cả bãi,  mà phân đoạn, chia ra vài phần.

Tại một bệnh viện ở Trung Quốc, đã sử dụng bài thuốc trên trị liệu 56 ca són tiểu (Tiểu tiện không tự chủ ứng lực), độ tuổi từ 43-77 (bình quân 67 tuổi); Bệnh trình dài nhất 5 năm, ngắn nhất 1 năm.

Đại đa số bệnh nhân có kèm theo những biểu hiện thuộc chứng "Tỳ thận dương hư", theo cách phân loại chứng hậu của Đông y, như váng đầu, chóng mặt, người mệt mỏi, lưng gối yếu mỏi, thích nằm, ngại nói,  bụng dưới có cảm giác như sa xuống; ăn không ngon miệng; Lưỡi bệu, có vết răng, chất lưỡi nhợt hoặc hơi đỏ, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch tế nhược (nhỏ, yếu);  Siêu âm kiểm tra niệu động lực: áp lực đóng niệu đạo tối đa thấp hơn bình thường.  

- Kết quả sau một liệu trình:  17 ca kết quả rõ rệt: triệu chứng giảm rõ rệt, áp lực đóng niệu đạo tăng lên 20-30cm cột nước; 36 ca có tiến triển tốt: triệu chứng cải thiện, áp lực đóng niệu đạo tăng lên 10-20cm; Tổng hiệu suất đạt 94,7%; Có 3 ca không có kết quả, chiếm 5,3%.

Một số bài thuốc kinh nghiệm:

Ngoài bài thuốc cơ bản, được xây dựng theo nguyên tắc "Biện chứng luận trị" của Đông y như trên, còn có thể áp dụng thử một số bài thuốc kinh nghiệm, lưu truyền trong dân gian, mà một số người đã áp dụng có kết quả tốt:

- Bài thuốc 1: Trứng gà tươi 2 quả, câu kỷ tử 20g, đại táo 4 trái. Cùng cho vào nồi đất, thêm nước, nấu sôi 10-15 phút; vớt trứng ra, bóc vỏ trứng, lại cho vào đun lại thêm một lát; Ăn trứng, uống nước thuốc. Cách ngày 1 dùng lần; Một số người áp dụng liên tục 3 lần, đã thấy có tiến triển. Thích ứng: Dùng chữa  són tiểu ở người cao tuổi, do thận hư.

- Bài thuốc 2:  Đẳng sâm 18g, hạch đào nhân 15g; Sắc lấy nước đặc; chia ra uống nước thuốc và ăn hạch đào. Tác dụng: ích khí cố thận; Dùng chữa són tiểu ở người cao tuổi do thận hư.

- Bài thuốc 3: Long nhãn nhục 15g, toan táo nhân (sao đen) 12g, khiếm thực 10g. Sắc lấy nước, uống thay trà trong ngày. Tác dụng: Dưỡng huyết an thần, ích thận cố tinh thúc niệu. Dùng chữa người cao tuổi "tâm âm hư tổn", "tâm thận bất giao" dẫn tới mất ngủ, tiểu tiện không thể tự khống chế.

- Bài thuốc 4: Bong bóng lợn 1 cái, rửa sạch, nhồi gạo tẻ đã vo sạch vào, buộc lại, hấp chín. Không thêm mắm muối gia vị, chia ra ăn trong ngày. Tác dụng: Chữa són tiểu ở người cao tuổi.

- Bài thuốc 5 (đắp ngoài):  Dùng một cây hành trắng (thông bạch), liền cả củ và rễ, lưu hoàng 15g, gừng tươi 2 lát; Tất cả cùng giã nhuyễn; khi nằm ngủ đắp lên rốn, băng cố định, sáng hôm sau gỡ ra. Tác dụng: Chữa són tiểu ở tất cả các độ tuổi.

Lương y Huyên thảo -- Tienphong Online

  • Thuốc độc trên đĩa thức ăn
  • 6 lý do nên uống nước quả ép
  • Đông máu tĩnh mạch - Bệnh của tương lai?
  • 10 lý do nên tập chạy
  • Vũ khí mới chữa bệnh tiểu đường
  • Rượu vang ngăn nguy cơ tiền ung thư thực quản
  • Dinh dưỡng mùa hè - Những điều cần biết
  • Gừng hỗ trợ hiệu quả bệnh nhân ung thư
  • Hoa quả tươi giúp giảm các khuyết tật về mắt
  • Sống khỏe hơn với “green collar”
  • Món ăn - bài thuốc cho học sinh ôn thi
  • Thừa Vitamin E gây bệnh tim cho thai nhi
  • Ăn uống theo giờ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
MUA VÉ MÁY BAY 24H
090 367 5580
091 515 0804
  • Giảm giá cực sốc hè 2013 tại Vincom Center Bà Triệu
  • Rầm rộ khuyến mãi 2/9
  • BigC giảm giá tới 50% hơn 1.300 sản phẩm
  • Thoả sức mua sắm với “crazy sale” tại Vincom Center
  • Hà Nội: Đăng ký Internet được dùng miễn phí MyTV và điện thoại cố định
  • Rầm rộ khuyến mãi "khủng" dịp 30/4
  • Vietnam Airlines bán giá siêu khuyến mại 3 ngày cuối tháng 4
  • Bay giữa TP.HCM, Vinh, Hải Phòng chỉ từ 650.000 đồng