(minh họa: Khều) |
Ăn là một trong bốn tứ khoái của con người, sống mà không ăn ngon, không uống ngon thì còn chi là ý nghĩa của sự hưởng thụ, nói lên điều này chắc nhiều người sẽ đồng ý.
Đúng thôi, ăn uống, tiệc tùng, vui chơi cùng bạn bè (có khi thâu đêm suốt sáng) là thú vui, là sự giải bỏ stress sau những ngày làm việc căng thẳng. Trong hơi men chếnh choáng, đất trời nghiêng ngả thì ăn gì cũng ngon, uống gì cũng sướng, nói gì cũng thấy hay, khóc cười la hét thỏa sức...
Đặc biệt khi đã thành đạt, thì sự hưởng thụ đôi khi trở thành một niềm vui hối hả, chạy đua với thời gian, vì sao? Bởi khi ấy thường cuộc đời đã vào giai đoạn hoàng hôn, quỹ thời gian không còn nhiều nữa.
Sau nhiều thập niên lao động cả chân tay lẫn trí óc miệt mài, chịu biết bao nhiêu gánh nặng của niềm lo, nỗi khổ (dĩ nhiên có cả hạnh phúc nữa chứ, nhưng thật lạ chúng thường ngắn ngủi, mong manh như sương như gió), một quá trình chiến đấu để sinh tồn như thế dĩ nhiên cơ thể phải suy mòn dần đi và hàng loạt bệnh tật xuất hiện, thật oái ăm khi chúng ta có đủ điều kiện để hưởng thụ, coi chừng ta chẳng còn hưởng thụ được bao nhiêu.
Bệnh goutte là một trong những nguyên nhân làm giảm chất lượng sống, làm cho bệnh nhân không còn hưởng thụ chuyện ăn uống theo đúng nghĩa của nó nữa, bởi vì phải kiêng cữ hầu hết những thức ăn thường được gọi là cao lương mỹ vị!
Hippocrate (ông tổ của ngành Tây y) đã mô tả triệu chứng lâm sàng của bệnh goutte lần đầu tiên cách đây 2.000 năm. Hiện nay bệnh goutte được nghiên cứu sâu và người ta đã hiểu cơ chế gây bệnh rất rõ do rối loạn chuyển hóa purin ở người làm tăng acid uric trong máu và biểu hiện một loạt triệu chứng viêm các khớp rất đặc hiệu trên lâm sàng.
Một ngày nào đó, sau bữa ăn tối thịnh soạn có nhiều thịt, mỡ, hải sản (tôm, cua, sò, ốc...), chếnh choáng trong hơi men… thế rồi trong giấc ngủ thấy như ai đang đốt bàn chân mình, choàng tỉnh dậy và phát hiện ngón chân cái sưng đau dữ dội, có thể sưng đau luôn khớp bàn ngón chân cái, các khớp bàn ngón chân khác, hoặc sưng đau cả bàn chân, cổ chân… sưng mọng đỏ, nóng và đau khủng khiếp, có thể kèm sốt cao, nhức đầu, buồn nôn… khi ấy phải liên tưởng ngay đến bệnh goutte cấp tính.
Phải đi khám bệnh ngay sáng hôm sau để bác sĩ cho làm một số xét nghiệm chẩn đoán. Khi có kết quả xét nghiệm, thường nổi bật nhất là tình trạng tăng acid uric trong máu, người bình thường lượng acid uric trong máu chỉ vào khoảng 3-5mg/%, nếu kết quả được tính theo số lượng µ/L thì bình thường từ 180-300 µ/L. Trường hợp bệnh lý số lượng acid uric trong máu cao khi bằng hoặc trên con số 7 mg/% (hay 420 µ/L ) có nhiều trường hợp lượng acid trong máu rất cao.
Ở giai đoạn mới phát bệnh những cơn đau đặc biệt dữ dội gây lo lắng rất nhiều cho bệnh nhân và gia đình. Tuy nhiên cơn sưng, nóng, đỏ, đau các khớp thường chỉ xuất hiện ngắn (trong một hoặc vài ngày) do đáp ứng rất tốt với điều trị bằng các thuốc giảm đau Tây y đặc hiệu của bệnh goutte.
Sự giảm đau nhanh chóng khi điều trị là con dao hai lưỡi vì bệnh nhân thường chủ quan và cứ tiếp tục ăn uống cho sướng miệng vì hễ đau thì đã có thuốc điều trị mà không nghĩ rằng nếu cơn đau cứ lặp đi lặp lại, chắc chắn những biến chứng nguy hiểm sẽ xảy ra, bởi vì nếu không điều trị đúng cách và đầy đủ thời gian thì những đợt viêm khớp cấp tính sẽ xuất hiện nhiều hơn, dày đặc hơn, tình trạng viêm đau sẽ nặng hơn, dữ dội hơn, sẽ có nhiều khớp bị viêm hơn nữa và dĩ nhiên liều lượng thuốc sử dụng sẽ phải tăng lên cũng như phải phối hợp nhiều loại thuốc hơn để điều trị và cứ thế cơ thể phải chịu đựng sự tổn thương của khớp cũng như những phản ứng phụ của thuốc càng lúc càng nhiều hơn trước!
Về lâu về dài, khi bệnh đã chuyển thành mãn tính, các khớp sẽ bị tổn thương, biến dạng đồng thời xuất hiện những u, cục quanh khớp thường có tên gọi là hạt tô phi (gouty tophi) kích thước từ vài mi li mét đến vài cen ti mét, một số trường hợp tạo thành những cục rất lớn (bệnh nhân thường được phẫu thuật để lấy đi), đây là một sự lắng đọng của acid uric dưới dạng những tinh thể muối urat (một chất trắng đục, nhờn như sữa, chúng ta thường lầm tưởng là mủ).
Sự lắng đọng này có thể xảy ra ở hai quả thận làm cho chức năng của chúng bị suy, đây là một biến chứng rất nghiêm trọng của bệnh goutte cần phải đề phòng ngay từ đầu. Trường hợp tình cờ trong một đợt khám sức khỏe định kỳ, phát hiện trong máu của mình có hiện tượng cao acid uric nhưng toàn thân hoàn toàn không có triệu chứng viêm đau nhức các khớp thì đừng quá sợ hãi vì đó chưa phải là bệnh goutte thật sự mà chỉ gọi là tình trạng tăng acid uric máu chưa có triệu chứng.
Tóm lại đối với những người đã bị bệnh goutte rồi thì phải đi khám bệnh và điều trị cho đúng với chỉ định của thầy thuốc (bệnh nhân có thể chọn lựa để điều trị theo y học cổ truyền hoặc y học hiện đại), những người chỉ bị cao acid uric máu mà chưa có triệu chứng đau các khớp cũng phải được thầy thuốc khám kiểm tra định kỳ.
Tuy nhiên, goutte là một bệnh đặc biệt liên quan đến vấn đề ăn uống cho nên đối với cả hai đối tượng này đều phải lập tức hạn chế lượng protid trong chế độ ăn hàng ngày (đặc biệt là các loại hải sản và những loại thịt đỏ có chứa nhiều gốc purin), hạn chế bia rượu và các loại thức uống có cồn, nếu đang có tình trạng thừa cân hay béo phì thì phải tìm cách giảm cân ngay, sinh hoạt, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, đồng thời thường xuyên tập luyện cơ thể.
Nếu tuân thủ một lối sống như thế thì rất nhiều người bị cao acid uric máu; chưa có triệu chứng có thể cải thiện được tình trạng tăng acid uric trong máu, những người đang bị bệnh goutte thật sự có thể ổn định được bệnh, tránh được những triệu chứng viêm khớp điển hình hoặc biến dạng khớp của bệnh goutte cùng với những biến chứng nguy hiểm khác.
Nên cảm ơn căn bệnh goutte này vì nhờ nó những người có thói quen ăn uống sai lệch sẽ phải tự điều chỉnh những tập quán ăn uống không hợp lý của mình và dĩ nhiên khi chúng ta thay đổi lối sống, thay đổi cách sinh hoạt, ăn uống sao cho phù hợp thì không những chúng ta có thể tự điều trị, phòng ngừa bệnh goutte mà còn làm cho sức khỏe tốt hơn, sức đề kháng mạnh hơn để chống lại những căn bệnh khác (do có quá nhiều bệnh bắt nguồi từ sự ăn, uống thái quá sinh ra).
Khi chúng ta đã quen với cách ăn uống nhẹ nhàng, thanh cao, sự thèm khát ăn uống “xả láng” sẽ không còn nữa, chúng ta sẽ nhận thấy được sự bình an, thanh thản cùng với niềm hạnh phúc thật sự cho cả thân, tâm và thật lạ khi ấy cuộc sống sẽ đầy ắp những điều kỳ diệu khác để chúng ta có thể hưởng thụ vượt lên trên những thú vui ăn uống tầm thường.
___________________________________________________
(*) Nguyên Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TPHCM
(Theo BS Lê Hùng (*) // Thời báo kinh tế Sài Gòn)