Khí hậu nước ta, từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 11 là mùa của bệnh tay - chân - miệng phát triển, trẻ dưới 3 tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh. Bệnh có thể lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với nước mũi, miệng, nước bọt, dịch của mụn rộp hoặc phân của người nhiễm, qua nắm tay, tiếp xúc với các vật dụng cá nhân của trẻ nhiễm bệnh như trong bình sữa, núm vú nhựa, đồ chơi và thực phẩm.
BỆNH TAY CHÂN MIỆNG LÀ GÌ?
Bệnh tay - chân - miệng là bệnh truyền nhiễm, thường gây ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ do nhóm virus đường ruột gây nên. Loại virus thường gây bệnh nhất là coxsackievirus A16, đôi khi bệnh gây ra bởi enterovirus 71 hoặc các týp enterovirus khác. Bệnh lây từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết của mũi, họng, dịch của các bọng nước khi vỡ, hoặc qua đường phân-miệng. Khả năng lây truyền cao nhất trong vòng 1 tuần đầu kể từ khi mắc bệnh, tuy nhiên người ta thấy virus vẫn được đào thải qua phân nhiều tuần sau đó. Người ta tìm thấy virus tồn tại trong nước, đất, rau. Người lớn cũng có thể mắc bệnh do ăn phải thức ăn, nước uống bị nhiễm virus.
BIỂU HIỆN CỦA BỆNH TAY - CHÂN - MIỆNG
Bệnh nhân có biểu hiện sốt, sưng miệng, nổi ban có bọng nước. Bệnh thường bắt đầu bằng sốt nhẹ, kém ăn, mệt mỏi và sưng họng. 1-2 ngày sau có những chấm đỏ có bọng nước rồi vỡ thành vết loét. Các vết này thường nằm ở lưỡi, lợi và bên trong má. Các tổn thương trên da cũng xuất hiện sau 1-2 ngày, biểu hiện là các vết đỏ, có thể có bọng nước, không ngứa và thường nằm ở lòng bàn tay, gan bàn chân. Bệnh tay - chân - miệng hoàn toàn khác với bệnh chân và miệng (còn gọi là bệnh lở mồm long móng) ở trâu, bò, cừu và lợn. Mặc dù nhiều người nhầm hai bệnh với nhau do tên gần giống nhau nhưng bệnh do 2 loại virus hoàn toàn khác nhau gây nên.
Bệnh tay – chân – miệng thường có biểu hiện nhẹ, khỏi bệnh sau 7-10 ngày. Hiếm khi xảy ra biến chứng, tuy nhiên cũng có trường hợp nặng có biểu hiện viêm màng não với các triệu chứng sốt, đau đầu, cứng cổ hoặc đau lưng. Rất hiếm khi có biến chứng viêm não hoặc liệt mềm cấp.
CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH
Đến nay vẫn chưa có thuốc kháng virus đặc hiệu điều trị bệnh. Chủ yếu là các biện pháp điều trị triệu chứng để hạ sốt, giảm đau do các vết loét gây nên và điều trị các biến chứng nếu có, nhưng nguy cơ lây nhiễm có thể giảm đáng kể nếu thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên, đặc biệt sau mỗi lần thay tã cho trẻ.
- Rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi có thể nhiễm virus bằng nước và xà bông, rồi khử trùng bằng chloramin B 5%.
- Hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp như hôn, sử dụng chung các dụng cụ với trẻ bị bệnh hoặc người bệnh và áp dụng một số biện pháp hạn chế bệnh lây truyền theo đường phân, miệng khác như ăn chín, uống sôi.
- Cách ly bệnh nhân, trẻ bị bệnh trong vài ngày đầu mắc bệnh cũng có thể làm giảm đáng kể khả năng lây nhiễm.
Bạn hãy nhớ rửa tay khi:
- Trước, sau khi nấu ăn, và chuẩn bị thức ăn.
- Trước khi ăn, sau khi đi đại tiện, tiểu tiện.
- Khi tay bẩn.
- Phải rửa tay thường xuyên khi trong gia đình có người ốm, bệnh.
Cách rửa tay đúng:
- Đầu tiên làm tay ướt toàn bộ và dùng dung dịch xà phòng hoặc xà phòng bánh.
- Cọ, xoa 2 bàn tay vào nhau kỹ và bảo đảm rửa hết các kẽ ngón tay, móng tay.
- Tiếp tục cọ rửa kỹ trong 10-15 giây. Cọ rửa kỹ bằng xà bông sẽ giúp diệt và loại bỏ hết các mầm bệnh bám dính trên tay.
- Xả nước kỹ và lau khô hoặc sấy khô tay.
(Theo Bs. Nguyễn Văn Lên/BRVT)