Đinh nghĩa stress rất khó. Stress có thể phát sinh từ một lời khiển trách của sếp mà bạn thấy bị xúc phạm nhưng không dám chống đối nên cứ bị dằn vặt âm ỉ, một hợp đồng bị trượt khỏi tay chỉ vì sự vô ý của mình khiến bạn vừa tiếc nuối vừa ân hận, một nỗi buồn không thể nguôi ngoai, một trận cãi nhau với người thân khó lòng hòa giải, một sự cố gắng quá sức mình, những khó khăn về tài chính không thể vượt qua...
Nếu theo từ điển tiếng Việt thì “stress nói chung là những rối loạn tâm sinh lý xảy ra đột ngột do nhiều nguyên nhân khác nhau (sốc, xúc động mạnh, lao động quá sức...)”. Các nhà tâm lý học coi stress là bản năng tự vệ và ứng phó diễn ra bên trong cơ thể trước sức ép nội tâm hoặc bên ngoài.
Trước kia, người ta thường nghĩ stress là một hiện tượng tâm sinh lý đơn thuần nhưng thực ra stress phức tạp hơn nhiều. Nó liên quan đến hệ thần kinh (vùng dưới đồi), hệ nội tiết (tuyến yên và tuyến thượng thận) và các phản ứng tiết hormone (cortisol, adrenalin).
Dấu hiệu của stress
Tùy thuộc sự mạnh-yếu về tâm lý và thể trạng của mỗi người, các dấu hiệu thể hiện sẽ khác nhau nhưng nói chung khi bị stress bạn sẽ thấy:
Uể oải, mệt mỏi, chán ăn; đêm mất ngủ và sáng thường rất khó dậy; huyết áp cao, nhiều khi khó thở, cổ cứng, đau lưng; tăng hoặc giảm cân; tự nhận thấy làm việc nhiều hơn nhưng kết quả lại tồi tệ hơn; có cảm giác rằng những nỗ lực trong công việc không được mọi người chú ý.
Dễ quên những cuộc hẹn; hay cáu giận. Không “ngán” sự gây gổ. Ngại tiếp xúc với mọi người. Ít gặp người thân và bạn bè thân thiết. Khó chịu với sự ồn ào, náo nhiệt... Bị ám ảnh bởi một điều gì đó không dứt ra được; vô cảm trước những đau khổ của người khác; trước sự chán nản, trống rỗng, thường tự giải tỏa bằng cách tìm đến với bia rượu, thuốc lá, đôi khi cả ma túy nữa.
Khi thấy một số triệu chứng như trên, bạn nhất thiết phải đến bác sĩ để khám và tìm những lời tư vấn trước khi quá muộn. Bạn hãy nhớ rằng những sự khởi đầu “nhẹ nhàng” như vậy, nhưng nó sẽ nặng lên dần và ảnh hưởng không hề nhỏ.
Tác hại của stress
Như đã nói, stress lôi kéo sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng trong cơ thể nên nếu bạn cố tình “lờ” nó đi, bạn sẽ phải trả giá rất đắt vì sự coi thương đó. Bởi stress có ảnh hưởng tới hầu hết các bộ phận trên cơ thể.
Não: Stress gây mất ngủ thường xuyên khiến não trở nên kém linh hoạt, có thể bị tổn thương nghiêm trọng. Nếu bạn không chợp mắt 20 giờ liên tục, não giảm khả năng kiểm soát tương đương với tình trạng nồng độ cồn trong máu tăng 50% so với mức cho phép. Stress làm bạn ủ rũ, rã rời, lười vận động.
Tim: Bị stress, tim giải phóng hormone cortisol, làm xuất hiện các bệnh cao huyết áp, béo phì và tiểu đường. Nguy cơ mắc các bệnh tim mạch khó tránh khỏi.
Phổi: Stress kích thích tuyến thượng thận giải phóng hormone adrenalin khiến bạn hồi hộp, lo lắng không yên, thở hổn hển như hụt hơi. Với người bị hen suyễn, tình hình càng tồi tệ gấp bội.
Mắt và da: Mất ngủ do stress gây mệt mỏi, mắt đỏ và quanh mi bị thâm quầng, có thể giảm thị lực và các bệnh khác về mắt. Stress kích thích các tuyến nhờn hoạt động mạnh làm da trở nên thô ráp, nhanh lão hóa, nổi mụn, nhăn nheo.
Lưng và cổ: Hormone adrenalin làm các cơ bắp căng cứng, lưng và cổ bị “ngay đơ”, đau nhức.
Dạ dày: Stress làm các hormone có chức năng tăng cường lưu thông máu giảm xuống rõ rệt. Dạ dày không được cung cấp đủ máu sẽ dẫn đến tình trạng khó tiêu, đầy hơi và chướng bụng. Nhiều trường hợp stress là nguyên nhân gây viêm loét dạ dày.
Răng miệng: Khi thần kinh suy sụp, hoạt động của hệ miễn dịch trở nên kém hiệu qủa, nên viêm miệng, lưỡi, lợi và xuất hiện những nốt nhỏ, thường gọi là “nhiệt”.
Đầu óc: Stress là nguyên nhân chính gây đau đầu, chóng mặt, choáng váng.
Giảm sức đề kháng với các bệnh truyền nhiễm.
Cuối cùng, stress còn làm giảm khả năng tình dục, ít ham muốn chuyện gối chăn.
Thật khó thấy một loại “bệnh” nào (tạm gọi như vậy) có thể làm tổn thương cả sức khỏe thể lực và sức khỏe tinh thần, ảnh hưởng đến toàn thân như stress. Nó dai dẳng, thường xuyên hành hạ thể xác và dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm có thể xuất hiện đồng thời. Nó làm thui chột mọi khả năng tư duy, trí nhớ, khả năng tự kiểm soát, phán đoán.
Stress không trực tiếp gây tử vong, nhưng trong cơn buồn chán, tuyệt vọng, không ít trường hợp stress đã đưa người ta đến tự sát. Vì vậy, stress phải được điều trị (và chủ yếu là tự điều trị) kịp thời, đúng phương pháp.
Điều trị stress
Điều trị stress gần như điều trị một bệnh tâm thần. Quyết tâm của mình là chính và bần cùng mới dùng thuốc, bởi đa số thuốc làm dịu stress thuộc loại hướng thần, có thể gây ra sự phụ thuộc thuốc (nghiện) và chỉ dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Có thể tự chữa bằng các cách sau đây:
Bạn hoàn toàn không nên lo lắng về bệnh tật và luôn luôn tự nhủ: sẽ khỏi nếu mình quyết tâm.
Nhìn thẳng vào sự thay đổi (nguyên nhân gây stress) với cách nghĩ tích cực để loại trừ.
Thường xuyên trao đổi với những bạn thân, người trong gia đình hoặc nhân viên tư vấn để chia sẻ tâm tình, tìm sự thông cảm với những điều mình bận tâm, lo lắng.
Cố gắng hòa nhập vào tập thể, tham gia vào những công việc chung, kể cả công tác xã hội.
Tập thể dục đều đặn, đặc biệt những bài luyện sức bền (đi bộ nhanh, chạy cự ly dài, bơi...) và chơi các môn thể thao đối kháng như cầu lông, bóng bàn.
Hàng ngày, đặt những mục tiêu cụ thể ở nhà và ở nơi làm việc để thực hiện.
Chú ý đặc biệt đến việc ăn uống, bảo đảm đủ các vitamin nhóm D, B và các nguyên tố vi lượng vì khi bị stress, cơ thể sinh ra một lượng lớn hormone và để sản xuất ra chúng đã làm tiêu hao nhiều vitamin và vi chất. Điều chỉnh chế độ ăn uống là một yếu tố quan trọng trong cuộc chiến chống stress. Hạn chế trà, càphê và các chất kích thích khác, nhất là rượu.
“Tập” lại việc ngủ điều độ, đúng giờ, đủ thời gian cần thiết.
Thiền, yoga là những phương pháp tĩnh tâm, thư giãn đầy hiệu quả để “tiêu diệt” stress./.