Cà rốt có tác dụng hạ huyết áp, hạ đường, giảm mỡ trong máu, phòng chống độc thủy ngân. Những người bị nhiễm độc thủy ngân nên thường xuyên ăn cà rốt.
Củ cà rốt có chứa hàm lượng đường cao hơn các loại rau khác. Ngoài ra, còn có chất carotene, khi vào cơ thể sẽ chuyển thành vitamin A, vitamin B1, B2, B6 và các chất khoáng, canxi, magie, mangan, sắt, đồng là những chất mà cơ thể không thể thiếu được.
Chữa chứng cao huyết áp, viêm thận: Lấy 1,5 kg cà rốt rửa sạch, giã nát, ép lấy nước uống ngày 3 lần.
Chữa chứng cao huyết áp:Lấy cà rốt tươi rửa sạch, ép lấy nước uống. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 100ml.
Trị chứng thận hư, liệt dương, vị hàn: Cà rốt, thịt dê (hoặc thịt chó, thịt hươu) hầm ăn cả cái lẫn nước. Mỗi tối ăn 1 lần.
Trị chứng tỳ vị hư nhược, tiêu hóa kém: Cà rốt, gạo tẻ nấu thành cháo ăn.
Trị chứng nổi mề đay, mẩn ngứa: Lấy 60g cà rốt, 60g mã thầy, 30g rau thơm sắc uống ngày 1 thang.
Trị chứng táo bón, đại tiện phân khô cứng: Lấy 500g cà rốt ép lấy nước, cho thêm mật ong. Uống ngày 1 lần vào buổi sáng hoặc tối. Hoặc luộc cà rốt cho chín, rồi dầm với mật ong. Ăn ngày 2 lần, mỗi lần 250g -500g.
Trị chứng quáng gà, khô giác mạc: Luộc cà rốt ăn hằng ngày hoặc cà rốt xào với gan lợn ăn cơm.
Trị chứng suy dinh dưỡng trẻ em: Luộc 1 củ cà rốt cho trẻ em ăn mỗi ngày rất tốt.
Trị chứng ho, ho gà: Lấy 150g cà rốt, 15 quả đại táo, đổ 2 bát nước (bát ăn cơm) sắc còn 1 bát chia uống ngày 3 lần. Uống liền 3 5 ngày sẽ cho kết quả tốt.
Trị giun sán: Lấy 1kg cà rốt rửa sạch, thái mỏng, sao vàng tán bột. Sáng uống 20 - 25g với nước để nguội, lúc đối rất tốt.
(Theo BS Thành Đức // Tienphong Online)