Trung bình cơ thể người lớn chứa khoảng 3 - 5g sắt, trong đó 1,5 - 3g tồn tại trong hồng cầu. Ở người bình thường, nhu cầu sắt hàng ngày khoảng 0,5 - 1mg. Phụ nữ giai đoạn có kinh nguyệt hoặc có thai, cho con bú, trẻ em đang lớn nhu cầu về sắt tăng cao hơn bình thường.
Trứng, thịt bò, giá đỗ là những thực phẩm chứa nhiều chất sắt. |
Nguyên nhân của sự thiếu hụt sắt trong cơ thể có thể do: Cung cấp không đầy đủ, gặp ở những người có mức sống thấp; Mất cân bằng giữa cung và cầu (phụ nữ có thai, cho con bú, trẻ em đang lớn có nhu cầu sắt cao hơn bình thường); Hoặc do giảm sự hấp thu sắt ở đường tiêu hóa (thường gặp ở những người cắt một phần dạ dày, viêm ruột, dùng một số thuốc hoặc thức ăn chứa một số chất ngăn cản sự hấp thu sắt..) hoặc do bị chảy máu đường tiêu hóa (do giun tóc, giun móc, trĩ), rong kinh...
Khi thiếu hụt sắt, cơ thể không chỉ có thay đổi sự tạo máu, mà còn thay đổi chức năng của nhiều enzym quan trọng. Do vậy, bổ sung sắt là biện pháp rất quan trọng để điều trị thiếu máu nhược sắc.
Lưu ý:
Trong điều trị, sắt có thể dùng riêng rẽ hoặc phối hợp với một số vitamin hoặc acid folic. Tuy nhiên khi uống viên sắt người dùng có thể thấy lợm giọng, buồn nôn, nôn, táo bón, tiêu chảy, kích ứng đường tiêu hóa...
Ngộ độc sắt do quá liều ít gặp ở người lớn, nhưng hay gặp ở trẻ em. Ở trẻ em liều 1- 2 g có thể gây tử vong. Triệu chứng ngộ độc có thể xuất hiện sau khi uống nhầm 30 phút đến vài giờ. Vì vậy khi dùng cho trẻ em phải rất thận trọng và cần để thuốc xa tầm với của trẻ để tránh trẻ uống nhầm phải gây ngộ độc.
Sắt có nhiều trong thức ăn có nguồn gốc động vật và thực vật. Các thực phẩm chứa nhiều sắt như: gan, tim, trứng, thịt nạc, giá, đậu, hoa quả... Vì vậy, một người bình thường ăn uống đầy đủ thì không thiếu sắt. Chỉ bổ sung bằng thuốc khi nguồn thức ăn không cung cấp đủ nhu cầu.
(Theo Dược sĩ Hoàng Thu Thủy // Báo Sức khỏe & Đời sống)