Khi mang thai, hầu hết phụ nữ thường hay buồn nôn và nôn, tuy nhiên việc điều trị trong các trường hợp này không giống như các trường hợp thông thường khác. Có tới 90% thai phụ có cảm giác nôn và buồn nôn trong những tháng đầu của thai kỳ, sau đó giảm đi ở tuần thứ 14 nhưng vẫn còn có các trường hợp kéo dài đến tuần thứ 20, thậm chí đến cả trước khi sinh.
Ảnh minh họa. |
Tôi năm nay 30 tuổi, mang thai lần đầu, hiện đã mang thai đến tuần thứ 14, tuy nhiên tôi vẫn thường xuyên có cảm giác buồn nôn và nôn. Tôi xin hỏi có thể dùng thuốc gì để làm hạn chế tình trạng trên. Tôi xin cảm ơn.
Trả lời:
Để giảm các triệu chứng này, trước hết cần ăn làm nhiều bữa nhỏ trong ngày, tránh uống quá lạnh hay ăn nhiều chất ngọt, tránh ăn các thức ăn hoặc gia vị có mùi mạnh. Có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và sinh hoạt hợp lý. Trước khi dùng thuốc chống nôn cần lưu ý đến các bệnh kết hợp nếu có như viêm dạ dày, viêm tụy, viêm ruột thừa…
Thuốc đầu tiên bạn có thể dùng là gừng, gừng có tác dụng làm giảm co thắt dạ dày, làm tăng nhu động ruột, từ đó làm giảm nôn, buồn nôn. Gừng không gây bất kỳ một tác dụng phụ có hại nào cho thai phụ và thai nhi.
Thứ hai, bạn có thể dùng vitamin B6, với liều 5mg/ ngày, đây là thuốc có hiệu quả, được xem là thuốc đầu tay vì không gây tác dụng phụ nào.
Nếu cải thiện chế độ ăn uống, sinh họat, dùng gừng và vitamin B6 mà không có hiệu quả, khi đó cần cân nhắc sử dụng các thuốc chống nôn đặc hiệu như nhóm histamin, domperidon, metoclopramid, tuy nhiên cần lưu ý các thuốc chống nôn đặc hiệu này có thể qua được nhau thai, và ít nhiều có ảnh hưởng tới thai nhi. Vì vậy với các thuốc có nhiều tác dụng phụ này cần có ý kiến của bác sỹ và cần dùng tại các cơ sở ytế, tuyệt đối không nên tự ý sử dụng để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
(Theo BS An Nguyễn // Tienphong Online)