Hỏi: Sau khi mang thai và sinh con tôi bị thừa cân - béo phì, rối loạn mỡ máu, cholesterol ở mức 9mmol/l. Tôi định đi phẫu thuật bóc mỡ bụng. Xin hỏi bác sĩ, biện pháp này có làm tôi hết rối loạn mỡ máu được không? - Đặng Thu Trang (Hà Nội).
Trả lời:
Ảnh minh họa. |
Không ít người thừa cân - béo phì tìm đến giải pháp phẫu thuật bóc mỡ bụng, đùi, ngực hay mông. Đây cũng là một biện pháp nhằm loại bỏ lượng mỡ dư thừa quá lớn trong cơ thể nhưng đó chỉ là giải pháp nhất thời, giải quyết chủ yếu vấn đề thẩm mỹ trước mắt mà không có tính bền vững. Nếu người bệnh được bóc đi lớp mỡ tích tụ trên cơ thể nhưng vẫn không có chế độ ăn giảm mỡ, không chịu tập luyện thường xuyên thì qua thời gian, mỡ trên cơ thể họ lại tiếp tục bị tích lũy.
Mặt khác, phẫu thuật bóc mỡ chỉ giải quyết được phần mỡ ở phần da bụng, mông, đùi chứ không xử trí được mỡ bám ở các phủ tạng, mỡ trong máu và thành động mạch. Do vậy khi bóc mỡ rồi thì những nguy cơ từ thừa cân - béo phì vẫn tác động lớn đến hệ tim mạch, tiêu hoá, chuyển hoá… Chỉ số cholesterol của chị là quá cao, nếu không được điều chỉnh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là nguy cơ thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim.
Theo thống kê, người béo phì có tỉ lệ mắc bệnh tim và tắc nghẽn mạch máu não cao gấp 2 lần người có cân nặng bình thường, những căn bệnh như nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp… đều rất phổ biến.
Liệu pháp giảm cân đầu tiên là phải thay đổi lối sống (tăng cường tập luyện, hạn chế ăn chất béo, ăn nhiều rau quả tươi, không dùng các chất kích thích…), nếu các biện pháp này không phát huy hiệu quả mới được kết hợp dùng thuốc giảm béo theo chỉ định của bác sĩ. Nếu chị có ý định phẫu thuật bóc mỡ bụng thì nên đến những cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, tạo hình của những bệnh viện lớn có trang bị đầy đủ các điều kiện phẫu thuật an toàn, tránh tai biến đáng tiếc.
(Theo BS. Trần Thanh Tú // Sức khỏe & Đời sống)