Kết quả nghiên cứu bước đầu ở Viện Dược liệu (Bộ Y tế) cho thấy cây lược vàng, được nhiều người cho là thần dược lại không có tác dụng chống viêm cấp trên mô hình thực nghiệm, mà còn gây chết súc vật thí nghiệm ở liều uống cao.
Cây lược vàng đang được trồng phổ biến |
TS Trịnh Thị Điệp, đại diện nhóm nghiên cứu đề tài “Bước đầu nghiên cứu về thành phần hóa học và tác dụng sinh học của cây lược vàng” (Khoa Hóa thực vật, Viện Dược liệu), cho biết tại Việt Nam, chưa có công trình nào nghiên cứu về cây lược vàng.
Do đó, khi biết thông tin về việc nhiều người đua nhau trồng cây lược vàng vì tin cây này chữa được nhiều loại bệnh như viêm đường tiêu hóa, viêm tiết niệu, viêm đường hô hấp, viêm khớp đến các bệnh tim mạch, huyết áp, ung bướu, Viện Dược liệu tiến hành thực hiện một số nghiên cứu ban đầu về thành phần hóa học và tác dụng sinh học của cây.
TS Điệp cho biết, nghiên cứu nhằm xác định sơ bộ thành phần hóa học chính, thử một số tác dụng dược lý và đánh giá độ an toàn của dược liệu lược vàng. Kết quả thành phần của cả cây và lá lược vàng đều chứa flavonoid, carotenoid, phytosterol, axit hữu cơ, chất béo, đường tự do và polysaccharid.
Nhóm nghiên cứu dùng cao khô làm từ lá và thân cây lược vàng để thử hoạt tính kháng khuẩn trên ba chủng vi khuẩn thường gặp: Staphylococcus aureus; Escherichia coli và Bacillus pumilus.
Kết quả quan sát và đo đường kính vòng vô khuẩn trên đĩa thạch cho thấy, cao chiết từ lá và thân lược vàng có tác dụng kháng khuẩn đối với Staphylococus aureus nhưng phải ở nồng độ rất cao so với kháng sinh tham chiếu azithromycin.
Các nhà khoa học dùng cao chiết từ lá lược vàng thử nghiệm trên chuột ở liều 940 mg/kg (tương đương với liều 50g lá tươi/kg), kết quả không có tác dụng chống viêm trên mô hình gây viêm cấp thực nghiệm bằng carragenin.
Thậm chí cao chiết cồn 50 phần trăm thân lược vàng còn tăng phản ứng viêm, tăng mức độ phù bàn chân chuột lên 38,35 phần trăm. TS Điệp lý giải có thể trong thân lược vàng có chất gây dị ứng nên làm tăng mức độ phù bàn chân chuột.
Các nhà nghiên cứu khuyến cáo, cần thận trọng khi sử dụng cây lược vàng vì kết quả nghiên cứu cho thấy lá và thân cây có chứa các thành phần có hoạt tính sinh học mạnh nên mới có khả năng gây chết chuột trong phòng thí nghiệm.
Ở liều 2.100g dược liệu tươi/kg thể trọng, liều độc gây chết 50 phần trăm chuột thí nghiệm. Còn liều 3.000g dược liệu tươi/kg thể trọng, chuột chết 100 phần trăm.
Thông thường chuột chết 5 – 6 giờ sau khi uống. Tuy nhiên, theo TS Điệp, liều sử dụng trên súc vật thí nghiệm không phải là liều sử dụng cho người. Nếu so với liều dùng bình thường, như người sử dụng 5-6 lá/ngày thì liều độc gây chết (50 phần trăm), phải gấp 1.000 lần như thế.
Chưa nên sử dụng
Các nhà nghiên cứu khuyên không nên xay lá lược vàng nhiều như lá rau má để uống vì độc tính sẽ tăng cao. |
TS Trịnh Thị Điệp cho biết về nguyên tắc, có độc tính không có nghĩa là không nên dùng mà quan trọng là liều dùng nào đạt được tác dụng dược lý mong muốn và liều dùng nào không có lợi với sức khỏe con người. Thực tế một số loại thuốc có liều độc vẫn có thể được chấp nhận dùng để chữa bệnh nhưng phải đặt dưới sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ điều trị.
Hiện nhóm nghiên cứu chưa thể khẳng định người dùng có bị ảnh hưởng đến sức khỏe hay không khi sử dụng với liều lượng 5 - 6 lá/ngày. Các kết quả nghiên cứu dược lý ban đầu chưa làm sáng tỏ tác dụng chữa bệnh của cây lược vàng nhưng cũng cho thấy cây lược vàng chứa các thành phần có hoạt tính sinh học mạnh thì mới có ảnh hưởng rõ đến chuột thực nghiệm. Do chưa có kết quả cuối cùng nghiên cứu về cây lược vàng nên các nhà khoa học khuyến cáo chưa nên sử dụng.
Viện Dược liệu đề nghị Bộ Y tế cho tiến hành một đề tài nghiên cứu cấp bộ để nghiên cứu sâu hơn về kháng khuẩn, thử chống viêm trên mô hình khác như gây viêm bằng các tác nhân khác, thử tác dụng hạ đường huyết, và khả năng trên hệ miễn dịch xem có khả năng kích thích hệ miễn dịch hay không.
Nếu được Bộ Y tế chấp nhận, nhóm nghiên cứu sẽ thử nghiệm trên động vật thí nghiệm trong thời gian dài. Sau đó làm xét nghiệm sinh hóa kiểm tra trên tế bào gan thận, xem có ảnh hưởng đến chức năng sinh lý của cơ thể hay không.
( Theo TPO)