Cao răng gây nhiều bệnh răng miệng, nặng nhất là bệnh nha chu làm tiêu xương, đau buốt răng khi ăn uống, thậm chí mất răng vĩnh viễn.
Hàng trăm loại vi khuẩn trú trong khoang miệng
Nên khám răng, lấy cao răng thường xuyên - Ảnh minh họa. |
Theo GS Trần Văn Trường - Chủ tịch Hội Răng hàm mặt Việt Nam, miệng là môi trường tạp khuẩn, vi khuẩn tụ ngay trong vôi răng, cao răng. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, trong miệng có tới vài trăm loại vi sinh vật trú ngụ, vãng lai. 70% trọng lượng mảng bám là vi khuẩn (1mg mảng bám bằng đầu tăm chứa hàng tỉ vi khuẩn) và nếu không giữ gìn vệ sinh răng miệng, số vi khuẩn này sinh sôi nảy nở rất nhanh.
Bác sĩ Hòa Thị Phương (Nha khoa Hoà Phương, Hà Nội) cho biết: "Sau khi ăn thường có lớp màng bám trên răng, nếu không vệ sinh răng miệng sạch, màng này ngày càng dày lên thành mảng bám và dần cứng thành cao răng. Khi mảng bám còn mềm, dùng bàn chải, chỉ nha khoa có thể làm sạch. Nhưng khi đã thành cao răng chỉ có nha sĩ với dụng cụ chuyên dùng mới "trị" được”.
Trong trường hợp bị cao răng nặng, gây viêm lợi sẽ rất nguy hiểm vì nó ăn sâu vào túi lợi, xương ổ răng. "Vi khuẩn theo đường máu vào các phù tạng, khớp, thận, tim gây van tim, vôi hoá"... GS Trần Văn Trường cảnh báo.
Theo bác sĩ Hồng Anh, Trưởng phòng Tư vấn, hỗ trợ khách hàng (Nha khoa Lan Anh, TP Hồ Chí Minh), nhiều khách tới khám thú nhận từ bé tới lớn chưa hề đi lấy cao răng. Càng không biết rằng miệng hôi, hơi thở hôi do những mảng bám, cao răng gây nên.
Viêm lợi lâu sẽ tấn công, phá hủy dần vùng quanh răng, dẫn tới tổn hại xương. Khi lợi không còn bám chặt vào răng sẽ xuất hiện những hố lõm là những ổ vi trùng gây bệnh. Cao răng còn có thể gây viêm tuỷ ngược dòng, các bệnh ở niêm mạc miệng như viêm, lở miệng, viêm amidan, viêm họng...
Có thể gây rụng răng hàng loạt
Theo bác sĩ Võ Quốc Tuấn, khi chảy máu lợi tự phát, viêm nướu, lợi chưa tụt... là biểu hiện bệnh nha chu nhẹ, cần đi khám để được điều trị ngay. Lúc này là giai đoạn đầu, dễ chữa, ít tốn kém, chưa tổn hại nhiều tới răng.
Nếu để bệnh nha chu tới giai đoạn cuối thường nghiêm trọng vì miệng thường xuyên bị đắng; lợi teo rút, răng vĩnh viễn bị lung lay hay tách khỏi lợi; khớp cắn thay đổi, gây rụng răng hàng loạt (ở người lớn tuổi), sẽ khó chữa và tốn kém hơn.
Sau khi ăn nên dùng chỉ nha khoa lấy thức ăn giắt trong kẽ răng. |
Theo bác sĩ Hòa Thị Phương, không nên đợi có cao răng mới đi lấy, vì khi thành cao thì lợi đã tổn thương. Cần đi lấy cao răng thường xuyên để loại trừ vi khuẩn và những mầm mống bệnh.
Hiện có 2 phương pháp lấy cao răng phổ biến: Nếu dùng máy thổi cát làm sạch cao răng sẽ hạn chế được lây nhiễm chéo, nhưng dễ bị rỗ bề mặt răng, mảng bám hình thành nhanh hơn, dễ nhiễm màu và rất khó lấy cao răng dưới nướu.
Dùng máy siêu âm lấy cao răng triệt để hơn (nhất là người nhiều cao), chỉ mất 20 - 45 phút, gồm cả đánh bóng răng, ít bị đau và chảy máu hơn. Nhược điểm là nếu dụng cụ và thiết bị lấy cao răng không tiệt trùng nghiêm ngặt dễ có nguy cơ lây nhiễm bệnh.
GS Trần Văn Trường khuyến cáo nên khám răng định kỳ và lấy cao răng thường xuyên 3 tháng/lần. Ngoài ra, cần tạo thói quen đánh răng ngay sau khi ăn, mỗi lần đánh răng 2-3 phút, chải kỹ cả 3 mặt của hàm răng theo chiều dọc chứ không đánh ngang cổ răng. Nên dùng chỉ nha khoa làm sạch những kẽ răng bên trong.
Để nhận biết phòng khám nha khoa an toàn, bác sĩ Hồng Anh cho biết, tất cả các dụng cụ tiệt trùng đều đựng trong túi nilon màu xanh, niêm phong, dập máy. Khi khách tới khám mới xé và lấy ra để chắc chắn không lây bệnh cho khách. Nếu đã từng viêm nướu - nha chu hay đang có dấu hiệu cần khám thường xuyên hơn.
Cách bảo vệ răng - Mỗi ngày 1 lần cần súc miệng bằng nước muối, nước súc miệng Listerine 1 - 2 phút. Mỗi tối lấy 1/3 nắp, pha thêm nước súc kỹ 2-3 phút. Tuy nhiên, loại nước này chỉ dùng buổi tối, không dùng nhiều vì có chất sát trùng gây khô niêm mạc, làm mất cân bằng vi khuẩn trong miệng. - Hạn chế ăn đồ ngọt, chất cay nóng như bia, rượu, ớt, gừng... - Khi bị viêm lợi, bệnh nha chu phải chữa dứt điểm. Nên dùng bàn chải máy được thiết kế đặc biệt, chuyển động dễ, đầu bàn chải nhỏ để chải sâu vào những khe kẽ răng và mát xa vùng nướu để bớt viêm. Đầu bàn chải phải thay 2 tháng/lần. (Theo tư vấn của bác sĩ Hồng Anh) |
(Theo Gia đình)