Trong đó, có hơn 91% bệnh nhân không được điều trị. Đặc biệt có gần 9% bệnh nhân điều trị không đúng phương pháp, chủ yếu là sử dụng các loại thuốc chữa triệu chứngnhư Aspirin, thuốc lợi tiểu hoặc các loại đông y. Nhiều trường hợp còn có thói quen cắt lể vào chỗ máu bầm dễ dẫn đến nhiễm trùng.
Nhiều bệnh nhân chưa ý thức hết sự nguy hiểm khi mắc bệnh mạch máu
ở chân nên thường tự ý chích lể. Ảnh: K.LAN
Hoại tử chân vì chích lể
Một cụ già đột nhiên đau nhức một bên chân nhưng gia đình nghĩ rằng do đau xương khớp thông thường nên mua vài viên thuốc giảm đau cho cụ uống. Sang hôm sau, bệnh vẫn không đỡ nhưng ở chân xuất hiện thêm các vết bầm tím.
Gia đình đưa đến thầy lang, được chẩn đoán là “ứ máu độc” và cần phải chích lể để lấy máu độc ra. Sang ngày kế tiếp, chân bệnh nhân này đã tím hoàn toàn. Khi gia đình đưa cụ đến bệnh viện thì đã muộn vì chân bị hoại tử do tắc động mạch cấp tính. Các bác sĩ buộc lòng phải cắt bỏ chân để cứu người bệnh.
Một trường hợp khác, bệnh nhân vào cấp cứu với một bên chân sưng phù căng cứng từ đùi xuống đến bàn chân, nhức nhối, các tĩnh mạch chân viêm hằn đỏ và rất đau khi chạm vào. Sau khi được thăm khám và làm một số xét nghiệm, siêu âm, bệnh nhân được chẩn đoán là tắc tĩnh mạch sâu cấp tính do huyết khối kèm viêm tắc tĩnh mạch nông.
Trên da vùng cẳng chân của bệnh nhân có rất nhiều vết rạch nhỏ. Khi bác sĩ hỏi ra mới biết bệnh nhân này vốn trước đó đã được bác sĩ chẩn đoán là dãn tĩnh mạch chân và có chỉ định phẫu thuật. Nhưng bệnh nhân bỏ về nhà, tin theo lời của thầy lang vườn chích lể để lấy máu bầm ra.
Bà lang này dùng dao lam rạch vào các búi tĩnh mạch dãn dưới chân và nặn ra rất nhiều máu đen, các búi tĩnh mạch này xẹp đi làm bệnh nhân tưởng lầm là bệnh đã khỏi. Nhưng chỉ vài ngày sau, chân của bệnh nhân này lại sưng, căng, đau nhức nên phải đi cấp cứu. Phải trải qua quá trình điều trị hết sức khó khăn và kéo dài, bệnh tình của bệnh nhân này mới thuyên giảm dần.
Nhiều biến chứng nguy hiểm
Thạc sĩ – bác sĩ Lê Phi Long, Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TPHCM, cho biết hiện nay có một số người ít hiểu biết và quan tâm đến các bệnh lý mạch máu. Thực ra, đây không phải là bệnh lý hiếm gặp, ngược lại, nó chiếm tỉ lệ khá cao trong dân số và rất nguy hiểm do để lại di chứng cũng như tàn phế nặng nề. Có rất nhiều trường hợp bị biến chứng hoặc điều trị chậm trễ đáng tiếc gây ra do chích lể.
Tại các vùng nông thôn, chích lể vẫn được nhiều người xem là một phương thức chữa bệnh dân gian. Đây là cách thức chữa trị chưa được chứng minh rõ ràng về hiệu quả, mà ngược lại có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.
Chích lể có thể gây ra chảy máu nhiều, nhất là nếu rạch phạm vào các mạch máu nông hay các tĩnh mạch nông dãn to hoặc gây chảy máu không thể cầm được ở những người bị rối loạn đông máu hay đang dùng thuốc chống đông máu. Tĩnh mạch nông bị rạch sẽ tạo cục máu đông và gây viêm, đau. Cục máu đông này có nguy cơ phát triển tiếp tục, lan rộng đến các tĩnh mạch sâu gây tắc mạch hoặc sẽ di chuyển theo dòng máu về phổi, gây rathuyên tắc tĩnh mạch phổi và tử vong.
Ngoài ra, chích lể không vô trùng rất dễ dẫn tới nhiễm trùng da và nguy cơ nhiễm trùng huyết. Theo thạc sĩ – bác sĩ Lê Phi Long, việc dùng chung các vật dụng chích lể mà không được tiệt trùng đúng quy cách sẽ làm lây lan nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như viêm gan siêu vi B, C... hay bệnh AIDS.
Nhiều bệnh liên quan đến mạch máu Các triệu chứng đau nhức do căn nguyên mạch máu thường hay bị nhầm lẫn với các bệnh lý xương khớp hay thần kinh, dẫn đến tình trạng điều trị muộn, kéo dài, hiệu quả kém. Do đó, các đối tượng có nguy cơ mắc các bệnh mạch máu như người lớn tuổi, hút thuốc lá nhiều, rối loạn mỡ máu, tiểu đường... cần chú ý để được khám và tầm soát về bệnh mạch máu, tránh để xảy ra những tình trạng đáng tiếc do thiếu hiểu biết. |
(Theo Nhất Phương // Nguoilaodong Online)