Theo y học cổ truyền, bệnh hạ đường huyết thuộc phạm vi các chứng bệnh “hôn quyết” và “hư phong”. Nguyên nhân dẫn tới hạ đường huyết phần lớn do bẩm sinh cơ thể vốn yếu ớt- âm dương khí huyết không đầy đủ; cũng có thể do cơ thể bị suy yếu nặng sau khi mắc bệnh, khiến cho chức năng của tỳ vị bị tổn thương, hoặc do đàm hỏa ứ đọng ở hai kinh can, tỳ gây nên. Sau đây là các bài thuốc, món ăn cụ thể tương ứng với thể bệnh.
Thể tâm tỳ lưỡng hư
Đẳng sâm. |
Triệu chứng: Bệnh phát tác từ từ, người hay mệt lả, đầu choáng váng, chân tay bủn rủn, vã mồ hôi, mặt trắng nhợt, trống ngực, tim đập dồn loạn nhịp từng cơn, tinh thần khó tập trung, hay quên, bồn chồn, lo hãi vô cớ, nặng hơn thì có những biểu hiện dị thường về mặt tâm thần. Chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi mỏng, mạch tế (nhỏ).
Phép chữa: Bổ ích tâm tỳ.
Bài thuốc: Hoàng kỳ 15g, đẳng sâm 12g, đương quy 9g, toan táo nhân 12g, viễn chí 3g, mạch môn đông 9g, ngũ vị tử 6g, bá tử nhân 9g, long nhãn 15g, cam thảo (nướng) 3g. Nấu với 800ml nước, sắc còn 300ml; sắc 2 lần như vậy, hợp hai nước với nhau, chia ra 3 lần uống trong ngày. Liên tục 10 ngày (1 liệu trình), nghỉ 3 ngày, lại tiếp tục uống liệu trình khác tới khi bệnh ổn định.
- Trường hợp nhẹ, có thể dùng món ăn - bài thuốc sau: Long nhãn 15g, hạt sen (để cả tâm) 12g, đại táo 9-10 quả, gạo tẻ 50-60g, nấu cháo ăn trong ngày.
Can hư phong động
Thể bệnh này hay gặp ở những người lao động trí óc quá tải, hoặc sinh hoạt tình dục không tiết chế, khiến cho thận âm bị hư tổn, không hàm dưỡng được tạng can, khiến cho tạng can bị suy yếu, dẫn đến tình trạng “can phong nội động” mà sinh ra bệnh.
Triệu chứng: Đầu choáng váng, mắt nhìn không rõ, chân tay tê dại hoặc run giật, nặng thì cứng hàm và toàn thân co giật, hai mắt trợn ngược, miệng sùi bọt mép, hôn mê ngã lăn quay. Chất lưỡi hồng nhạt, rêu lưỡi mỏng, mạch tế huyền (nhỏ, căng).
Phép chữa: Dưỡng can tức phong.
Bài thuốc: Đương quy 9g, sơn thù du 12g, ngũ vị tử 6g, bạch thược 15g, hoàng kỳ 20g, xuyên khung 6g, mộc qua 6g, thục địa 12g, sơn dược 15g, câu kỷ tử 12g, cam thảo 6g, đại táo 6 trái. Gia giảm theo chứng: Nếu bệnh phát tác kiểu động kinh: thêm bán hạ (tẩm gừng sao), câu đằng 12g. Nếu tinh thần u uất, ngực đầy tức, hay thở dài: thêm sài hồ 10g, uất kim 8g.
Sắc uống và sử dụng như trong thể “Tâm tỳ lưỡng hư”.
- Trường hợp nhẹ có thể dùng trà thuốc: Câu đằng 12g, kim ngân 10g, câu kỷ tử 10g, ngũ vị tử 6g, đại táo 6 trái, sắc nước uống thay trà trong ngày.
Đàm nhiệt ứ đọng
Triệu chứng: Thường sau khi tỉnh dậy, thấy trời đất bỗng nhiên tối sầm, người quay cuồng, vã mồ hôi, chân tay bủn rủn, ngã lăn quay, hôn mê. Ngoài ra, thường ngày còn có những biểu hiện như mồ hôi nhiều, ngủ nhiều, tinh thần kém tỉnh táo, nói sàm. Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch hoạt sác (trơn, nhanh).
Phép chữa: Thanh nhiệt hóa đàm, khai khiếu tỉnh thần.
Bài thuốc: Xương bồ 9g, uất kim 12g, trúc lịch 20g, sơn chi tử 9g, liên kiều 12g, trúc diệp 9g, mộc thông 6g, đan bì 9g, cam thảo 6g. Gia giảm: Nếu có những biểu hiện như phiền táo, miệng khát, đau đầu, thêm sinh địa 12g, tri mẫu 12g, cát căn 12g. Nếu nôn mửa không ngừng: thêm hoàng liên 3g, bán hạ (tẩm gừng sao) 9g, trúc nhự (tẩm gừng sao) 9g. Sắc uống ngày 1 thang.
- Trường hợp nhẹ, có thể dùng trà thuốc: Trúc diệp (lá tre) 20g, cốt khí củ 10g, thổ phục linh 10g, gừng tươi 8g, cam thảo 6g, sắc nước uống thay trà trong ngày.
(Theo Bích Trâm (st)/Báo ĐN)