Phụ nữ mang thai rất cần đi khám định kỳ . Ảnh: PV |
Mỗi năm Việt Nam có gần 6.000 sản phụ có HIV sinh con nhưng không nhiều người trong số đó biết cách phòng tránh nguy cơ lây nhiễm sang con.
Những năm qua, nhờ sự tiến bộ của y học hiện đại, nhiều người có HIV vẫn sống khỏe mạnh, cả về tinh thần lẫn thể xác. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng có cơ hội tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản để cho ra đời những đứa trẻ bình thường.
TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, theo chu kỳ phát triển, thai nhi lớn lên nhờ sự nuôi dưỡng của rau thai, lấy chất dinh dưỡng từ máu của mẹ. Trẻ có thể lây nhiễm HIV từ mẹ trong thời kỳ còn là bào thai, trong quá trình chuyển dạ đẻ hoặc trong thời gian cho con bú.
Với phụ nữ có HIV mang thai, nếu được uống thuốc theo phác đồ điều trị sớm, có thể bảo đảm hiệu quả tối ưu trong việc giảm tỉ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con. Phụ nữ có HIV mang thai không được dừng điều trị thuốc ARV vì sẽ dẫn tới tình trạng suy giảm miễn dịch, gây nguy cơ kháng thuốc và làm tăng nguy cơ lây truyền HIV cho con.
Số phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng bằng thuốc kháng virus (ARV) tăng đáng kể. Năm 2009 có 1.372 phụ nữ mang thai nhiễm HIV được dự phòng lây truyền từ mẹ sang con bằng thuốc ARV, tăng 2,8 lần so với năm 2006. (Nguồn: Bộ Y tế). |
Các nghiên cứu cho thấy, khi điều trị dự phòng bằng thuốc ARV, sinh nở an và nuôi con an toàn, nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con chỉ còn 2%. Nhưng nếu không có các can thiệp giảm thiểu lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, nguy cơ mẹ lây truyền HIV sang con có thể từ 20 đến 45%.
Các bác sĩ khuyến cáo trong quá trình mang thai, sản phụ cần đi khám thai định kỳ và không được vì sợ bị kì thị mà giấu bác sĩ tình trạng có HIV. Cần tìm kiếm sự can thiệp của bác sĩ và chủ động giành lấy cơ hội cho con mình thoát khỏi căn bệnh thế kỷ.
(Theo Tienphong Online)