Khảo sát của Viện Archives of Neurology (Mỹ) cho thấy, trước 40 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh mãn tính của nam giới chỉ có 9,9%, nhưng từ 40 đến 44 tuổi tỷ lệ mắc bệnh tăng vọt đến 20,9%.
Chức năng tim, phổi, não, thận của những người nam giới ngoài 40 tuổi yếu đi rõ rệt. Độ tuổi này cũng là thời kỳ có nhiều người mắc bệnh ung thư gan.
Tỷ lệ tử vong do bệnh nhồi máu cơ tim của nam giới từ 35 đến 44 tuổi tăng 154% so với những người dưới 35 tuổi. Ngoài 40 tuổi cũng là thời kỳ tỷ lệ tử vong đột ngột cao nhất. Phần lớn nam giới lần đầu tiên bị đau lưng là ở vào độ tuổi từ 30 đến 45, độ tuổi này là thời kỳ bắt đầu bị viêm khớp xương cột sống và thoái hoá tự nhiên. Ngoài ra, có 10 đến 15% nam giới sau 40 tuổi tĩnh mạch ở bắp chân bị biến dạng với mức độ khác nhau.
Các chuyên gia cho rằng, 5 ngưỡng cửa lớn về tâm lý của nam giới ở độ tuổi trên dưới 40 là cảm thấy cô đơn, bực tức, buồn rầu, uất ức, lo lắng. Trạng thái tâm lý không lành mạnh này ảnh hưởng đến sức khỏe của họ.
Để đối phó với quá trình bệnh tật tự đến do tuổi tác, đàn ông trong độ tuổi này phải thường xuyên rèn luyện thể dục. Tốt nhất là hằng ngày chạy vào buổi sáng, đồng thời thường xuyên chơi các môn thể thao khác như quần vợt, bơi, đi bộ.
Duy trì thói quen tốt trong cuộc sống cũng là cách cải thiện sức khoẻ. Đàn ông tuổi ngoài 40 có thể sống một thời gian theo cuộc sống của người cao tuổi như ăn uống, nghỉ ngơi có quy luật. Hằng ngày, ăn nhiều rau xanh và hoa quả, không nên kén ăn, không nên ăn uống quá no, uống nhiều nước, đi tiểu nhiều lần có lợi cho việc trao đổi chất.
Ngoài 40 tuổi nên tập thói quen nghỉ ngơi có giờ giấc. Hằng ngày phải ngủ đủ 8 tiếng đồng hồ. Ngoài giờ làm việc, nên thường xuyên rèn luyện sức khỏe và tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí làm phong phú cuộc sống. Khi gặp phải những điều phiền muộn, có thể tâm sự với vợ con, cha mẹ hay bạn bè, không nên nén trong lòng. Giữ tinh thần thoải mái cũng rất quan trọng trong việc phòng chống bệnh tật với đàn ông tuổi ngoài 40.
(Theo NLĐO)