Những thói quen rất dễ bắt gặp như đánh răng kỹ, ngoáy mũi, ăn quá no hoặc nằm ngay sau khi ăn… đều gây hại cho sức khỏe.
Nghe bác sĩ thông báo hàm răng bị “sâu ăn” bốn cái và có dấu hiệu viêm tủy, chị Hoa (Hà Nội) rất ngỡ ngàng. “Mỗi ngày tôi đánh răng ba lần, ngay sau khi ăn. Thậm chí, còn đánh rất kỹ, rất mạnh thì làm sao tôi có thể bị sâu răng được?”, chị Hoa thắc mắc với bác sĩ.
Đánh răng nhiều cũng có hại
Ảnh minh họa. |
Theo tiến sĩ Phạm Như Hải, Trưởng khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba (Hà Nội), nhiều người nghĩ rằng đánh răng lâu sẽ có tác dụng làm sạch răng, khoang miệng và phòng ngừa bệnh sâu răng, viêm khoang miệng, tránh được biến chứng dẫn tới viêm khớp, viêm thận… Tuy nhiên, không phải cứ đánh quá kỹ, đánh mạnh là tốt, đánh răng quá lâu sẽ làm tổn thương chân răng, không có lợi cho sự phát triển của răng, thậm chí còn gây nên bệnh viêm chân răng. Ngoài ra, đánh mạnh sau khi ăn rất dễ dẫn tới nôn, trớ thức ăn. Trường hợp của chị Hoa kể trên chính là một minh chứng cho việc đánh răng không đúng cách.
Tiến sĩ Hải khuyến cáo cách đánh răng đúng cách là không chỉ đưa bàn chải ở bề mặt ngang, bên ngoài của răng. Vì trên thực tế rất ít sâu răng ở bề mặt răng mà hay sâu ở kẽ giữa răng, kẽ giữa răng và lợi, vùng răng nhấp nhô ở người có hàm răng mọc lệch. Cách tốt nhất là chỉ đánh rung, đánh theo vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ ở tất cả các bề mặt răng, đánh nhẹ tay nhưng chải răng thật kỹ.
Ăn quá no gây lão hóa sớm
Thông thường khi ăn no rất dễ dẫn đến căng bụng, buồn ngủ nên mọi người hay có thói quen nằm luôn. Tuy nhiên, theo cảnh báo của bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Minh Phương, nguyên Phó khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai, thói quen ăn quá no rất nguy hiểm cho sức khỏe, làm dạ dày căng quá mức, nhu động co bóp chậm lại, dịch tiêu hóa tiết ra không đủ, thức ăn không được tiêu hóa hết rất dễ dẫn đến lão hóa sớm. Nếu nằm ngay sau khi ăn sẽ khiến cuống trên của bao tử co thắt, axit dạ dày sẽ dễ dàng thoát ngược trở lại thực quản. Ngoài ra, việc nằm ngay sau khi ăn sẽ làm tăng sức ép lên khả năng tiêu hóa thức ăn của dạ dày. Lượng thức ăn không được tiêu hóa hết sẽ làm cho cơ thể luôn mệt mỏi, khó chịu sau khi ngủ dậy. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây bệnh đau dạ dày hoặc chứng phù thũng cho các bộ phận trên cơ thể, đặc biệt là mặt và chân tay.
Bác sĩ Phương cũng khuyên mọi người cần tránh thói quen ăn trước khi ngủ. Đây là nguyên nhân gây chứng ợ nóng trong khi ngủ. Đặc biệt, với người có tiền sử hen suyễn tuyệt đối không nên ăn đêm vì sẽ khiến bệnh trầm trọng thêm.
Rước vi trùng vì “ngoáy” ngoáy mũi
Những lúc nhàn rỗi, nhiều người có thói quen lấy ngón tay ngoáy mũi và tai. Thói quen này thường xuyên xảy ra và hầu hết mọi người cho rằng đây là cách vệ sinh cho mũi và tai. Theo thạc sĩ Hà Minh Lợi, Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương, màng dính ở mũi rất mềm, mỏng có nhiều mạch máu, việc ngoáy mũi thường xuyên rất dễ gây rách màng dính dẫn tới chảy máu. Nguy hiểm hơn, vi trùng trên ngón tay sẽ theo vào lỗ mũi làm mũi bị viêm mãn tính, tắc lỗ mũi, sống mũi sưng đỏ…
Bác sĩ Lợi cho biết, tuyệt đối không nên nhổ lông mũi vì lông mũi có chứng năng ngăn chặn bớt bụi, vi khuẩn làm ấm không khí khi hít thở, ngăn chặn sự tấn công của bụi, vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp. Ngoài ra việc cắt tỉa lông mũi còn dễ làm tổn thương niêm mạc mũi, gây trầy xước, chảy máu.
Thói quen ngoáy tai sẽ khiến rách da tai ngoài, làm lỗ tai không những khô, sạch mà còn luôn chảy nước. Nếu động tác ngoáy quá mạnh còn làm rách màng nhĩ là điều kiện thuận lợi cho vi trùng xâm nhập, tấn công gây bệnh viêm tai giữa. Cách tốt nhất là nên rửa mũi, tai hàng ngày bằng khăn mềm, động tác nhẹ nhàng, tránh chà xát mạnh hoặc quá sâu.
(Theo Xuân Trường // Đất Việt)