Có thể ăn kèm dâu với các thực phẩm khác nhưng tốt nhất nên ăn sống. Ảnh: Health |
Giàu vitamin, chất khoáng và ít calorie, dâu tây là sự lựa chọn tuyệt vời đối với sức khỏe của chúng ta.
* Dồi dào chất chống ôxy hóa
Với lượng chất chống ôxy hóa phong phú, dâu tây là loại quả lý tưởng để phòng ngừa bệnh tim mạch, ung thư và trì hoãn lão hóa. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng lượng chất chống ôxy hóa cao trong dâu tây có thể giúp trung hòa những tác động bất lợi của các gốc tự do (“thủ phạm” gây tổn hại tế bào, đẩy nhanh quá trình phát triển ung thư, bệnh tim mạch và các bệnh ở tuổi già). Các chất chống ôxy hóa còn có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch và giúp đẩy lùi các bệnh vặt như cảm lạnh, cảm cúm.
* Giàu kali
Dâu tây cũng dư dả kali, khoáng chất giúp điều hòa các chất điện phân trong cơ thể, giúp giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não. Loại trái này còn chứa folate (axít folic, vitamin B9), thành phần chính trong quá trình sản xuất tế bào hồng cầu.
* Nguồn cung cấp vitamin C
Dâu tây chứa hàm lượng vitamin C phong phú hơn cả trái cây thuộc họ cam quýt. Nhờ vậy, loại trái này có thể giúp phòng ngừa một số dạng ung thư và hạn chế cholesterol “xấu” trong cơ thể. Ngoài sinh tố C, dâu tây còn có các loại vitamin khác như B2, B5, B6, vitamin K, đồng và magiê. Chúng cũng chứa axít béo omega và chất xơ.
* Làm trắng răng
Các chất axít trong trái dâu có thể giúp loại bỏ mảng bám trên răng. Dùng trái dâu bổ đôi chà lên răng, nướu để loại bỏ cao răng, chữa lành và tăng cường sức khỏe cho nướu. Để nước dâu lưu lại trên răng một hồi, sau đó súc miệng bằng nước nóng.
* Gần như không chứa chất béo
Dâu tây là loại quả tuyệt hảo nên có trong bữa ăn hằng ngày do chúng hầu như không có chất béo. Nhiều nghiên cứu chứng minh một chén dâu chỉ chứa 0,6 gam chất béo. Chưa hết, nó còn kích thích quá trình trao đổi chất và cân bằng hoạt động của các nội tiết tố đóng vai trò hạn chế tăng cân.
(Theo THUẬN HẢI/Times of India/CT)