Những bữa tiệc sang trọng nhiều thức ăn giàu đạm, chất béo kèm rượu bia tại các nhà hàng đã, đang và sẽ gây hại cho sức khỏe, nếu ăn nhiều.
Thừa chất
Thực khách ăn để nghiệm thu thực đơn dinh dưỡng hợp lý do Trung tâm dinh dưỡng tổ chức ngày 25-11. Ảnh: L.N. |
Từ một thanh niên nặng 52kg, sau một năm lên chức trưởng phòng kinh doanh của một công ty bất động sản, Hoàng Anh, 38 tuổi, đã phát phì khi trọng lượng vọt lên 78kg. Nói về sự tăng cân chóng mặt của mình, Hoàng Anh cho biết, do đặc thù công việc nên thường phải tiếp khách tại các nhà hàng, tiệc tùng liên miên kèm theo rượu bia và các món giàu đạm nên mới có thân hình hộ pháp này.
Theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp - Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, xu hướng ăn uống ở nhà hàng dần trở nên phổ biến, nhất là tại các đô thị lớn. Những người có công việc, địa vị, kinh tế ổn định, thu nhập khá trở lên như trường hợp trên không phải hiếm.
Theo bác sĩ Diệp thống kê từ nghiên cứu được Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM đưa ra cho thấy, tỷ lệ người thừa cân béo phì tại TPHCM tăng từ 12,9% vào năm 2000 lên 23,9% vào năm 2009. Trong khi đó tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường tại thành phố này tăng từ 3,8% năm 2001 lên 7,0% năm 2008. Tương tự, tỷ lệ tăng huyết áp của người dân TPHCM là 10% năm 2004 lên gần 39% năm 2009. Tất cả có nguyên nhân chủ yếu là dinh dưỡng không hợp lý.
Bác sĩ Diệp cho biết, hiện nay đi ăn nhà hàng đã trở thành thói quen của nhiều người. “Thực đơn đa phần gồm các món giàu đạm, béo, mặn nhưng ít rau, bữa tiệc nào cũng có bia rượu khiến năng lượng trung bình từ bữa tiệc chiếm tới 50-60% nhu cầu năng lượng cả ngày, không có lợi cho sức khỏe”.
Qua nghiên cứu tại TPHCM của trung tâm này (với khoảng 1.200 nhà hàng lớn nhỏ được chọn mẫu điều tra), cho thấy thực đơn tại đây đều bị mất cân đối về thành phần dinh dưỡng. Cụ thể: thành phần năng lượng cung cấp từ đạm, chất béo, đường của đồ ăn trong thực đơn tiệc hiện có tỷ lệ là 24:39:36 (đạm-chất béo-tinh bột), quá dư thừa chất đạm, chất béo. Điều này là một trong những nguyên nhân gây nên các bệnh mãn tính không lây như tiểu đường, tim mạch, thừa cân, béo phì… đang tăng nhanh trên địa bàn TPHCM.
Ăn để khỏe: SOS
Để giúp người dân có thêm lựa chọn và sử dụng các món ăn hợp lý khi dự tiệc nhằm hạn chế gia tăng các bệnh mãn tính không lây, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM đã tiến hành đề tài Xây dựng và phổ biến thực đơn tiệc dinh dưỡng hợp lý.
Đối với người Việt Nam, năng lượng cung cấp từ chất béo nên dưới 25%. Tuy nhiên, kết quả của khảo sát cho thấy, năng lượng cung cấp từ chất béo trong các bữa tiệc hiện nay, thậm chí trong các bữa ăn gia đình thường chiếm 38 - 44%, trong khi mức lý tưởng là 17 - 23%. |
Theo bác sĩ Tạ Thị Lan - Phó trưởng Khoa Nghiên cứu thực phẩm Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, các thực đơn gồm đồ ăn với thành phần dinh dưỡng cân đối có tỷ lệ đạm; béo; tinh bột là (17-18); (17-23); (58-66), năng lượng bữa tiệc cung cấp 850-900 Kcal, phù hợp nhu cầu chuẩn cho một bữa ăn của người trưởng thành. Các thực đơn được thiết kế đảm bảo lượng rau cần thiết cho người sử dụng.
Các bác sĩ cũng khuyên cần điều chỉnh thói quen, cân đối mức năng lượng và các chất dinh dưỡng ăn vào cho cả một ngày. Giảm thực phẩm giàu đạm như thịt, hải sản, nội tạng, trứng; giảm chất béo như dầu, mỡ, thức ăn dạng chiên xào; nên dùng cá, đậu hũ, các loại nấm, rau xanh, thực phẩm nhóm bột đường bánh mì, bún, xôi. Sử dụng rượu bia, nước ngọt ở mức vừa phải.
“Ăn nhiều chất đạm làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2 do tăng đề kháng insulin; tăng thải canxi qua đường niệu, là nguyên nhân gây loãng xương; tăng nguy cơ mắc bệnh gút. Trong khi ăn nhiều chất béo nguy cơ tăng các bệnh lý tim mạch, huyết áp, béo phì; tăng triglyceride máu, tăng cholesterol toàn phần và cholesterol xấu (LDL - cholesterol); ăn mặn lại làm tăng huyết áp, biến cố về tim mạch” - bác sĩ Diệp khuyên.
(Theo Tienphong Online)