Y học cổ truyền coi khái niệm say nắng, say nóng thuộc phạm trù "trúng thử", tức trúng nắng, trúng nóng với các triệu chứng mặt đỏ vựng, mồ hôi vã ra như tắm, choáng váng, chóng mặt, hoa mắt, té ngã, nặng hơn thì ngất xỉu, bất tỉnh nhân sự. Trúng thử là thể nặng của cảm thử (cảm nắng). Nguyên nhân do thử nhiệt (nắng nóng) đã vượt qua dương minh (vệ khí) vào tạng phủ. Các lương y hướng dẫn cách xử trí khi gặp người bị say nắng như sau: Trước hết nhanh chóng đưa người bệnh vào nơi râm mát, thoáng gió, tránh đông người, nới lỏng các đồ mặc trên người, khi cần thiết phải tiến hành hô hấp nhân tạo. Sau đó cần tiến hành một số thủ thuật sau đây:
- Bấm mạnh vào một số huyệt mang tính kích thích mạnh:
+ Huyệt nhân trung: 1/3 phía trên rãnh nhân trung ở môi trên.
+ Huyệt thừa tương: Hõm dưới môi dưới
+ Huyệt hợp cốc: Hõm giữa ngón tay trỏ và tay cái, bấm cả hai bên
+ Huyệt ấn đường: Giao điểm giữa hai đầu lông mày, ở trán, xoa và day nhẹ.
- Vã một ít nước mát lên mặt người bệnh, cho nhanh tỉnh.
- Thổi vào mũi người bệnh hỗn hợp bột thông quan (thông quan tán), với một lượng nhỏ bằng hạt đậu xanh, bằng cách để bột ở một đầu ống giấy, thổi mạnh vào đầu kia, bột sẽ kích thích niêm mạc mũi họng để khai khiếu, tỉnh thần, trừ đờm... làm người bệnh mau chóng tỉnh dậy. Thành phần thông quan tán được làm gồm có:
+ Thân rễ xương bồ thái phiến, phơi khô, tán mịn.
+ Tạo giác (hay chính là quả bồ kết khô), bỏ hạt, sao vàng, tán mịn.
Hai thứ bột này đồng lượng. Đồng thời thêm vào hỗn hợp trên, khoảng 5 - 10%, chất băng phiến hay còn gọi là mai hoa băng phiến hoặc chất xạ hương. Băng phiến là chất kết tinh chiết tách bằng cách chưng cất tinh dầu lá đại bi, còn chất xạ hương là chất bột có mùi thơm đặc trưng của chất muscon, lấy từ túi xạ ở bụng con hươu xạ đực. Cần chú ý, phụ nữ có thai không dùng bột có pha thêm xạ hương.
- Uống một trong những vị thuốc giải thử như: lá sen, cỏ nhọ nhồi, rau má, bột sắn dây…Các vị thuốc giải thử thường có vị nhạt, hơi ngọt hoặc đắng nhẹ, tính mát. Do đó có tác dụng giải thử, giải nhiệt, sinh tân dịch, chỉ khát. Trong thực tế, người ta thường dùng dưới dạng tươi, sau khi làm sạch, thêm chút muối ăn, giã nát vắt lấy nước cốt cho uống.
Một bài thuốc đông y khá đơn giản, dễ thực hiện được Lương y Thanh Long, Chủ tịch Hội đông y thành phố Vũng Tàu hướng dẫn sẽ là tư liệu quí và cần thiết cho mỗi gia đình trong những ngày nắng nóng này. Cũng giống như tây y, khi người bệnh có biểu hiện say nắng cần đưa ngay bệnh nhân vào chỗ thoáng mát, cới bớt y phục, lấy khăn nước lau mát cho bệnh nhân để hạ sốt.
Lúc đó nếu có bột sắn dây thì lấy khoảng 3 muỗng cho vào nước đun sôi để nguội cho uống thì bệnh nhân sẽ từ từ tỉnh. Sau đó có thể dùng 3 vị: 30gr cây hương nhu băm nhỏ, 30 gr sắn dây trong còn nguyên củ, 30 gr đậu ván trắng. Cả 3 thứ này đâm ra bỏ chung với nhau, sau đó dùng 3 chén nước sắc lấy 1 chén cho người bệnh uống, cơn say nắng sẽ dần hết, bệnh nhân hồi phục từ từ.
Ngoài ra trong nhân dân ta có nhiều bài thuốc kinh nghiệm chữa cảm nắng, say nắng tốt. Chúng ta có thể sử dụng một trong những bài thuốc đơn giản sau:
Bài 1: Lá hương nhu tươi 50g (khoảng 1 nắm), muối ăn 1g. Cách dùng: Rửa sạch hương nhu, cho muối vào, giã nát, cho vào 150ml nước đun sôi để nguội, nghiền kỹ, dùng vải thưa sạch lọc vắt lấy nước uống cả một lần. Trẻ em tùy tuổi mà uống ít đi.
Sau đó 2-3 giờ, nếu bệnh nhân còn mệt, còn khát nước, cho uống thêm một lần nữa.
Bài 2: Lá tre tươi 30g, lá hương nhu tươi 30g, gừng tươi 3 lát.
Cách dùng: Tất cả đem rửa sạch, cho vào ấm sắc với 300ml nước còn 200ml, cho bệnh nhân uống cả một lần. Trẻ em tùy tuổi mà giảm liều lượng.
Bài 3: Lá tre tươi 12g, hương nhu tươi 16g, rau má tươi 12g, củ sắn dây 12g.
Cánh dùng: Tất cả rửa sạch, cho vào ấm, sắc với 300ml nước lấy một nửa. Người lớn uống cả một lần, ngày uống hai lần. Trẻ em tùy tuổi uống ít hơn.
Trên đây là những bài thuốc chữa cảm nắng, say nắng đơn giản, có tác dụng tốt đối với những trường hợp nhẹ. Trường hợp say nắng nặng, bệnh nhân phải được cấp cứu thật khẩn trương nhằm chống lại sự tăng nhiệt độ, mất nước và mất muối, chống lại trụy tim mạch và rối loạn thần kinh tại bệnh viện. Vì vậy, sau khi sơ cứu xong phải nhanh chóng chuyển ngay người bệnh đến một cơ sở điều trị gần nhất để theo dõi và cứu chữa kịp thời.
(Theo Tin sức khỏe tổng hợp)