Trái đu đủ xanh và các bộ phận khác của cây đu đủ đều có nhiều tác dụng đối với sức khỏe
Đu đủ là một loại trái cây có hương vị thơm ngon, bổ dưỡng và dễ sử dụng, đặc biệt rất thích hợp với người béo phì muốn giảm cân.
Tuy nhiên, ngoài trái đu đủ chín thì trái đu đủ xanh và các bộ phận khác của cây đu đủ như thân, rễ, lá còn có rất nhiều tác dụng đối với sức khỏe vì chất nhựa mủ trong các thành phần này đều có chứa men papain và một số chất khác. Men papain có khả năng hòa tan một khối lượng tơ huyết gấp 2.000 lần khối lượng của nó, có tác dụng như men pepsin của dạ dày và nhất là giống men trypsin của tụy tạng trong việc tiêu hóa protid, lipid, hydrat carbon trong môi trường hơi kiềm hay trung tính (men papain còn có tác dụng làm triệt tiêu progesteron cho nên riêng phụ nữ có thai thì không nên ăn đu đủ xanh).
Trong lá đu đủ có chất carpain (làm mạnh tim, tiêu mụn nhọt) và myrosin (lấy lá nấu nước dùng rửa sạch vết loét, vết thương, sát trùng). Hạt đu đủ chứa chất myrosin và kali myronat, khi kết hợp với nhau tạo thành tinh dầu mùi diêm sinh hắc. Người ta dùng hạt làm thuốc (liều dùng 12-16 g/ngày, sắc uống) trừ giun, lợi trung tiện, hạ sốt, điều kinh... (lưu ý không ăn hạt đu đủ bởi có chứa chất độc carpine. Với một số lượng lớn carpine sẽ làm bạn bị rối loạn nhịp tim và suy nhược hệ thống thần kinh).
Hoa đu đủ dùng trị ho cho trẻ em, ho gà, bằng cách lấy 30 g hoa tươi hấp với 20 g đường phèn (có thể nấu với 1/2 chén nước), chia làm 2 lần cho uống trước bữa ăn. Trái đu đủ xanh có vị đắng, ngọt, tác dụng tiêu rất mạnh, được dùng chữa rối loạn tiêu hóa do tì vị yếu, viêm dạ dày mãn tính, viêm dạ dày-ruột non ở trẻ em. Ngoài ra, còn có tác dụng giúp cơ thể phòng chống ung thư, sát trùng diệt khuẩn (theo Trung dược đại từ điển). Phụ nữ sau khi sinh, nếu thiếu sữa thì nên lấy trái đu đủ xanh (100 g) nấu với gạo nếp (50 g), mít non (50 g) để ăn trong ngày. Trái đu đủ xanh nấu với thịt gà, ăn vào sẽ trị chứng mất ngủ, hay hồi hộp.
(Lương y Đinh Công Bảy -Tổng Thư ký Hội Dược liệu TPHCM)