Thời tiết quá nóng bức sẽ mau vắt kiệt sức của bạn, và trong giai đoạn chuyển mùa oi bức này, nếu không phòng xa, bệnh tật sẽ dễ dàng tấn công…
-> Mùa hè và những điều cần biết
BS Dương Thanh Trắc, Trưởng khoa Khám bệnh, BV Triều An, cho biết nguy cơ lớn nhất với sức khỏe chúng ta khi trời nóng chính là hiện tượng mất nước, do cơ thể thường xuyên đổ mồ hôi để hạ nhiệt. Thành phần cấu tạo của con người có 2/3 là nước. Nước đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc chuyển hóa tế bào, thải chất bã nên khi bị mất nước, cơ thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, dễ sinh bệnh tật. Vì thế, chiếc “chìa khóa vàng” chính là bổ sung nước. Ngoài ra, trời nóng cũng là điều kiện “lý tưởng” cho một số dịch bệnh nên việc giữ gìn vệ sinh cơ thể rất quan trọng.
Nguyên tắc chung là thế, nhưng ở một số trường hợp, cần phải có cách giữ gìn sức khỏe nghiêm ngặt hơn cho những ngày “nóng đổ lửa”.
Người cao tuổi
Theo Viện phòng ngừa và giáo dục sức khỏe quốc gia Pháp (INPES), người già thích nghi kém với tiết trời nóng bức vì bị giảm khả năng nhạy cảm với nhiệt độ; khó đổ mồ hôi để làm mát cơ thể; ít có cảm giác khát nước; thận làm việc kém… Từ đó dẫn đến việc cơ thể không kịp hạ nhiệt khi môi trường xung quanh quá nóng nên dễ sinh bệnh hoặc làm tái phát bệnh tật vốn mang sẵn trong người.
Vì thế, những bậc cao niên cần lưu ý uống nước đầy đủ, thường xuyên dùng khăn thấm nước ấm lau người để làm mát cơ thể, hạn chế hoạt động mạnh khi trời nóng bức và cần dành thời gian cho giấc ngủ trưa.
Trẻ em
Để hạ nhiệt hiệu quả Chọn giải trí ở những nơi có gắn điều hòa nhiệt độ: siêu thị, trung tâm thương mại, rạp chiếu phim… |
Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi, rất dễ bị ảnh hưởng đến sức khỏe khi trời nóng nhưng lại không nói được hoặc không thể diễn tả rõ ràng tình trạng của bản thân. Phụ huynh vì vậy cần cho các bé uống nước mát thường xuyên hơn chế độ ăn uống thông thường. Nên cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, với các bé sơ sinh, ưu tiên xài tã vải “truyền thống” vốn mỏng, thoáng mát hơn các loại bỉm đóng gói sẵn, xài một lần. Ngoài ra, bạn có thể tắm cho bé nhiều hơn ngày thường, vừa giúp bé giải nhiệt, vừa là cơ hội để bé chơi đùa mà… không sợ nóng.
Khi trẻ thường xuyên có biểu hiện của thiếu nước và nóng bức (khô miệng, quấy khóc nhiều…) và đặc biệt là bắt đầu sốt, phụ huynh cần cho trẻ uống nước nhiều, dùng khăn ấm lau cơ thể, giữ cho môi trường quanh thoáng mát tối đa. Nếu cơn sốt vẫn không hạ thì cần đưa bé đến khám bác sĩ.
Một số nghề nghiệp cần lưu ý
Những người lao động tay chân nhiều, làm việc tại những nơi nóng bức (ngột ngạt, không thoáng mát, hoặc phải làm gần những máy móc tỏa nhiệt nhiều…), có quần áo bảo hộ lao động quá dày, hạn chế mồ hôi bốc hơi làm mát cơ thể… đều mang nhiều nguy cơ bị suy yếu sức khỏe, bị sốc nhiệt khi trời nóng. Vì vậy, nếu như người bình thường chỉ cần uống trung bình 1,5 lít nước mỗi ngày thì họ phải “nạp” hơn 2 lít đồng thời phải nghỉ ngơi ngay lập tức khi có dấu hiệu của mệt mỏi, choáng váng hay kiệt sức.
Những người thích thể thao
Bạn cần tránh vận động mạnh vào những lúc quá nóng bức, hãy thử đổi lịch tập thể thao sang sáng sớm hoặc chiều tối. Trong thời gian này, nếu không phải VĐV chuyên nghiệp cần đảm bảo cường độ tập luyện thì bạn nên giảm thời lượng tập luyện lại. Khi điều kiện cho phép, bạn nên cân trọng lượng trước và sau khi tập luyện để kiểm soát lượng nước bị mất. Uống nước đầy đủ, đặc biệt là sau khi tập luyện, có thể pha chút đường vào để uống. Ngưng tập luyện ngay và kiếm nơi mát mẻ để nghỉ ngơi khi có những biểu hiện sau: nhức đầu, hoa mắt, mất thăng bằng…
(Theo Nguyễn Ngọc Lan Chi // Thanhnien Online)