Cây hoa dâm bụt được y học cổ truyền dùng làm thuốc với tên gọi là mộc cận. Mộc cận có tính bình, vị ngọt, không độc. Cả lá, hoa, vỏ thân và rễ cây dâm bụt đều được dùng làm thuốc. Thuốc từ cây dâm bụt có tác dụng tiêu sưng, giải độc, thanh nhiệt, lợi tiểu, an thần…
Hoa dâm bụt. |
Chữa chứng kiết lỵ: Lấy 40g vỏ thân cây dâm bụt, 40g lá búp táo ta, 5 lát gừng tươi. Đem vỏ thân cây dâm bụt cạo bỏ vỏ ngoài, chỉ lấy lớp vỏ lụa thái nhỏ sao vàng hạ thổ, lá táo ta sao vàng. Sắc với 5 lát gừng lấy nước chia uống trong ngày.
Chữa chứng quai bị: Lấy 50g lá dâm bụt, 50g hành củ. Giã nát cả hai thứ, thêm một ít nước sôi để nguội, khuấy đều, gạn lấy nước uống, bã đắp vào chỗ bị quai bị.
Chữa chứng chàm mặt: Khi bị bệnh chàm mặt lấy 50g vỏ thân cây dâm bụt, 20g gừng tươi, 10 quả bồ kết bỏ hạt. Mang tất cả thái nhỏ, sắc nước sau đó cô đặc sền sệt, để thuốc nguội, bôi ngày 2 lần sẽ có kết quả.
Chữa chứng kinh nguyệt không đều: Lấy 30g vỏ rễ cây dâm bụt phơi khô, thái nhỏ, đổ 200ml nước sắc còn 50ml, uống trong ngày. Hoặc dùng rễ dâm bụt lá huyết dụ lượng bằng nhau sắc lấy nước uống chữa chứng rong kinh, kinh ra nhiều.
Chữa khí hư ở phụ nữ: Lấy 50g vỏ thân cây dâm bụt, cạo bỏ vỏ ngâm, thái nhỏ rồi sao vàng, sắc lấy nước uống trong ngày. Điều trị trong 5 ngày sẽ có hiệu quả.
Trị chứng nhức đầu, chóng mặt ở phụ nữ: Lấy 50g hoa dâm bụt, 50g gỗ vang, 3 lát gừng tươi. Tất cả đem sắc lấy nước chia uống trong ngày.
Trị chứng hồi hộp, khó ngủ, nước tiểu đỏ: Dùng hoa dâm bụt phơi khô, hãm uống thay trà hằng ngày.
Trị mụn nhọt:Lấy hoa và lá dâm bụt tươi, rửa thật sạch, giã nát cùng một ít muối đắp lên chỗ có mụn nhọt đang mưng mủ, khi khô lại thay thuốc mới có tác dụng đỡ đau nhức và chóng vỡ mủ.
Chú ý: nên dùng cây hoa dâm bụt ta, không nên dùng cây hoa dâm bụt tây có màu đỏ tía
(Theo BS Thành Đức // Tienphong Online)