Trong Đông y củ và rau khoai lang được dùng làm thuốc chữa bệnh. Khoai lang còn có tên gọi khác là phiên chử hay cam thử. Rau lang tính bình, vị ngọt, không độc, có tác dụng kiện tỳ vị, bổ thận âm, bổ hư tổn, ích khí lực, cường thận, tiêu viêm. Các trường hợp đường huyết thấp, viêm dạ dày đa toan, tiêu chảy không nên dùng khoai lang.
Chữa chứng thận âm hư, đau lưng, mỏi gối: dùng 30g lá khoai lang non còn tươi, 30g mai rùa, rửa sạch sắc kỹ với nước, uống trong ngày.
Chữa chứng thận hư, đi tiểu nhiều lần: khoai lang, thịt chó lượng vừa đủ, hầm nhừ, chế thêm chút rượu và gia vị, ăn nóng trong ngày.
Chữa băng huyết: rau lang tươi một nắm, rửa sạch, giã nhuyễn lấy nước cốt uống.
Chữa viêm tuyến vú: khoai lang trắng gọt vỏ, tỏi, hai thứ giã nhuyễn đắp lên vú.
Chữa ngộ độc sắn: khoai lang rửa sạch, gọt vỏ, giã nhuyễn thêm ít nước, lọc lấy nước cốt, cho uống cách nhau nửa giờ một lần.
Chữa bệnh viêm dạ dày tá tràng vô toan: khoai lang 500g, rửa sạch, gọt bỏ vỏ, thái nhỏ, giã nát, ép lấy nước. Đun sôi nước này để uống. Ngày 3 lần, mỗi lần một bát con. Dùng 1 đợt là 20 ngày, nghỉ 5 ngày lại uống tiếp.
Chữa chứng cảm cúm, sốt: khoai lang trắng khô 1 nắm, nghệ 1 củ, giấm nửa bát con, sắc uống lúc thuốc còn nóng.
Thanh nhiệt, giải độc: khoai lang 400g, gạo 200g, mã thầy 4 củ, củ cải 1 củ, tỏi 3 nhánh, thịt gà 150g, tôm nõn 70g, gia vị đủ dùng. Các thứ trên giã nát, nấu nhừ, sau đó cho mã thầy và đạu xanh vào đun tiếp cho nhừ. Chia ăn trong ngày.
Chữa chứng tiểu đường: khoai lang tươi 100g, bí xanh 50g, nấu canh ăn hàng ngày.
(Theo BS Thành Đức // Tienphong Online)