Trong báo cáo nghiên cứu đăng trên tạp chí Thực hành lâm sàng quốc tế mới đây, các nhà nghiên cứu Đại học Ioannina (Hy Lạp) cảnh báo việc uống một lượng lớn nước giải khát có ga mỗi ngày có thể gây ra những chứng bệnh về cơ, rối loạn nhịp tim và thậm chí là liệt phổi. Cụ thể, việc nghiện thức uống phổ biến này có thể gây ra chứng giảm ka-li trong máu tới mức nguy hiểm ở một số người với các triệu chứng như thể trạng yếu, táo bón và liệt.
![]() |
Các nhà sản xuất cho rằng nước giải khát có ga an toàn cho sức khỏe nếu chúng ta uống vừa phải. Ảnh: BBC |
Báo cáo dẫn chứng trường hợp một nông dân ở Úc phải nhập viện cấp cứu vì bị liệt phổi sau khi uống 4-10 lít nước uống có ga mỗi ngày. Trường hợp khác là một thai phụ thường xuyên uống 3 lít cola mỗi ngày trong 6 năm qua hay rơi vào tình trạng mệt mỏi, ăn không ngon và hay nôn ói. Kết quả khám tim cho thấy cô mắc chứng rối loạn nhịp tim, có thể là do nồng độ ka-li trong máu giảm thấp. Cũng như bệnh nhân ở Úc, cô đã hoàn toàn bình phục sau khi đoạn tuyệt với nước giải khát có ga.
Tiến sĩ Moses Elisaf, trưởng nhóm nghiên cứu, cho rằng nhân loại đang tiêu thụ các loại thức uống giải khát có đường, có ga nhiều hơn bao giờ hết và nhiều vấn đề sức khỏe đã được cảnh báo như vấn đề răng miệng, suy giảm nồng độ khoáng chất trong xương, hội chứng rối loạn chuyển hóa các chất và bệnh tiểu đường. Ông cho biết tất cả bệnh nhân được chẩn đoán bị chứng giảm ka-li trong máu do dùng quá nhiều nước giải khát có ga đã hoàn toàn bình phục sau khi ngưng uống thức uống này và bổ sung ka-li. Theo Tiến sĩ Moses, các bác sĩ nên lưu tâm tới các chứng bệnh về cơ ở những người uống nước giải khát có ga quá nhiều, vì những người dùng 2-10 lít thức uống này mỗi ngày đều bị giảm ka-li trong máu.
Thành phần đường và caffeine trong thức uống có ga được các chuyên gia cho là tác nhân dẫn đến tình trạng giảm ka-li trong máu. Tuy nhiên, Moses cảnh báo các sản phẩn giải khát không có caffeine cũng có thể làm giảm ka-li trong máu do thành phần đường fructose có thể gây tiêu chảy.
(Theo V.QUỐC // Báo Cần Thơ Online/BBC, Telegraph)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |