Bác sĩ kê thuốc thật nhiều, chi phí dành cho thuốc tăng cao, trong khi chất lượng điều trị không tăng tương ứng. Người bệnh cuối cùng vẫn là người khổ nhất!
Đơn thuốc trên 1 triệu đồng khá phổ biến hiện nay. Ảnh: T.T.D. - Tuổi Trẻ |
Hơn 60% chi phí điều trị đổ vào... tiền thuốc
Đó là số liệu thống kê tại các khoa, viện trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai từ đầu năm 2009 đến nay. Cá biệt có khoa chi phí dành cho thuốc chiếm đến 80%.
Tiến sĩ Trần Nhân Thắng, phó trưởng khoa dược kiêm trưởng đơn vị thông tin thuốc (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết tỉ lệ này đã vượt xa khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Theo WHO, chi phí dành cho thuốc trung bình chỉ nên ở mức 25% so với tổng chi phí điều trị. Khuyến cáo của WHO nhằm hướng đến việc nâng cao chất lượng phục vụ y tế, giảm chi phí thuốc men, tăng giá trị dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Thuốc kê rất nhiều, chữa bệnh chẳng bao nhiêu!
Khảo sát trên một đơn thuốc gồm chín loại: Cefoperarol, Digoxil, Furocemid, Verospiron, Kalium Chloratum, Nitromint, Renitec, Levomel, Diamicron, tiến sĩ Thắng cho hay có tới 13 cặp tương tác xuất hiện.
“Đơn thuốc này đã có hai thứ thuốc lợi tiểu, có thể bỏ một. Đơn thuốc cũng kê một thuốc giữ kali, một thuốc bù kali, mà thừa kali rất nguy hiểm. Nếu bỏ thuốc giữ kali và thuốc hỗ trợ gan chỉ định sai - trong đó riêng việc bỏ thuốc hỗ trợ gan cũng đã loại được ba cặp tương tác thuốc, giảm được chi phí mua thuốc” - tiến sĩ Thắng bình luận.
Đau tim, cho thuốc gan Qua nghiên cứu 100 bệnh án của bệnh nhân bảy nhóm bệnh tăng huyết áp vô căn, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim cấp, suy tim, viêm tĩnh mạch, tắc tĩnh mạch đến điều trị tại một viện tim mạch, thấy gần 100% bệnh án đều chỉ định thuốc hỗ trợ gan, bất kể bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng cần hỗ trợ gan hay không! Thậm chí ngay cả bệnh nhân có kết quả xét nghiệm men gan bình thường cũng được kê thuốc hỗ trợ gan. Theo TS Trần Nhân Thắng |
Trong đơn thuốc kể trên cũng có tới hai thuốc có tác dụng điều trị suy tim.
Chính vì chi phí thuốc quá lớn đã làm chi phí dành cho dịch vụ giảm, khiến chất lượng phục vụ chưa tương xứng với số tiền người bệnh bỏ ra.
Điều đáng bàn là dù chi phí dành cho thuốc tăng mạnh, số tiền bệnh nhân phải bỏ ra nhiều hơn, nhưng số ngày điều trị của bệnh nhân không giảm, bệnh tình cũng không chuyển biến đột phá gì.
Những đơn thuốc được kê nhiều loại với giá thành đắt hơn hẳn thì hiệu quả điều trị nhiều khi vẫn không khác gì so với đơn thuốc rẻ hơn.
Một so sánh được đưa ra giữa một đơn thuốc “truyền thống” chữa viêm họng có giá 40.000 đồng, với đơn thuốc có giá 100.000 đồng: kết quả chữa bệnh là như nhau!
50% thuốc kháng sinh bị kê thừa
Thuốc kháng sinh đang được lựa chọn như một giải pháp phổ biến. WHO vẫn khuyến cáo thực trạng kê đơn kháng sinh đáng lo ngại trên toàn cầu, tới mức trung bình 30-60% bệnh nhân được kê thuốc kháng sinh và tỉ lệ này cao gấp đôi so với nhu cầu lâm sàng.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, số thuốc kháng sinh chiếm tỉ lệ 46,25%, nghĩa là theo đánh giá chuẩn của WHO đã có đến 1/2 số thuốc kháng sinh sử dụng thừa. Số thuốc được kê không cần thiết này làm tăng chi phí y tế, tăng khả năng xuất hiện tác dụng phụ của thuốc và tình trạng kháng kháng sinh.
Tuy nhiên tại một số cơ sở y tế, mức độ sử dụng kháng sinh cho bệnh nhân thậm chí gần như... 100%.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, khoa tai mũi họng: 100%, răng hàm mặt: 94%, khoa ngoại: 94%, khoa sản: 89%... Tình trạng kết hợp nhiều loại kháng sinh cũng ở mức rất phổ biến (41,91%) và đã xuất hiện những đơn thuốc kê kết hợp cùng lúc đến bốn loại kháng sinh!
Bệnh viện Bạch Mai là tuyến điều trị cuối, hầu hết bệnh nhân ở mức độ bệnh nặng, đa số đã dùng nhiều loại kháng sinh trước đó tại các bệnh viện tuyến dưới, làm bác sĩ khó đánh giá tình trạng đáp ứng kháng sinh ở người bệnh. Riêng chi phí dành cho kháng sinh đã lên mức gần 100 tỉ đồng, chiếm khoảng 1/3 ngân sách mua thuốc toàn viện.
Trên thế giới, mỗi năm có khoảng 4,7 triệu ca nhiễm virus viêm gan B/C và 160.000 người nhiễm HIV có liên quan đến kê đơn sử dụng thuốc tiêm.
Quy chế sử dụng thuốc nội trú vừa được Bộ Y tế ban hành tháng 6-2009 cũng đã yêu cầu các bệnh viện phải tiết chế tình hình sử dụng thuốc tiêm, đưa ra chỉ thị nghiêm ngặt, chỉ dùng thuốc tiêm khi bệnh nhân không uống được hoặc cần tác dụng nhanh.
Song quy chế này sẽ là một thách thức lớn trong việc điều chỉnh chỉ định của bác sĩ, khi đường tiêm vẫn được dùng phổ biến. Tại Bệnh viện Bạch Mai, 82% bệnh nhân được chỉ định đường tiêm. Ở các khoa ngoại, da liễu, tai mũi họng... tỉ lệ này là 100%!
Tiến sĩ Trần Nhân Thắng cho hay với số thuốc trung bình của một đơn thuốc đã lên đến mức 7,06 loại và tình trạng lạm dụng kháng sinh, dịch truyền tiếp tục tăng cao như trên, giải pháp quan trọng nhất là các bệnh viện phải áp dụng các phác đồ điều trị chuẩn.
Bác sĩ Rafi Kot, giám đốc hệ thống Phòng khám gia đình, cho rằng mỗi đơn thuốc chỉ nên có 2-3 thuốc. Tăng số thuốc/đơn là tăng khả năng gặp phản ứng có hại của thuốc.
Tuy nhiên điều đáng lo ngại ở VN là không những bác sĩ điều trị bao vây với rất nhiều thuốc/đơn mà bệnh nhân cũng rất thích ra mua thuốc tại nhà thuốc và tự điều trị! Trong khi nhà thuốc nào chả muốn bán thật nhiều thuốc. Vòng luẩn quẩn là vậy!
(Theo Tuổi Trẻ )