Một lượng lớn hóa chất, trong đó có chloramine B, đang được sử dụng để làm sạch nước và xử lý ô nhiễm môi trường sau lũ lụt ở Bắc Trung bộ. Tuy nhiên, các chuyên gia hóa học cảnh báo, dùng chloramine B không đúng cách dễ tạo ra chất có thể gây ung thư.
Dù Chloramine B hiện nay được chế biến dưới dạng xịt hoặc đóng thành gói nhỏ đã định lượng, các nhà khoa học khuyến cáo, khi sử dụng cần hết sức thận trọng, không chỉ do giá thành mà chủ yếu là vì an toàn sức khỏe.
Rủi ro
Theo các chuyên gia, việc lạm dụng Chloramine B để tẩy trùng nước sau khi lũ rút có thể gây hại cho sức khỏe người dân . Ảnh: Minh Thùy |
Theo ông Ngô Xuân Trường, Giám đốc Cty Cổ phần Hóa chất Công nghệ mới Việt Nam, Chloramine B đắt nhất trong số các hóa chất làm sạch nước thông dụng, giá 80.000-82.000 đồng/kg.
Ông Trường lưu ý, không nên dùng nước Javen để tẩy trùng nước uống vì “đấy là sản phẩm phụ của quá trình điện phân muối ăn trong khi điện cực dùng để điện phân có chứa thủy ngân, rất độc”.
Chloramine B, theo ông Trường, là loại duy nhất trong nhóm các hóa chất tẩy trùng nêu trên được Bộ Y tế đưa vào danh mục được phép dùng để tẩy trùng từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước. “Quy định đó đến nay đã lỗi thời và không hiểu vì sao chưa được điều chỉnh”, ông nói.
Theo PGS.TS Lê Văn Cát, Viện Hóa học (Viện Khoa học&Công nghệ Việt Nam), Chloramine B tiềm ẩn nguy cơ với sức khỏe nếu không biết dùng đúng cách và rất khó kiểm soát nguy cơ này trong thực tiễn ở Việt Nam.
Ưu thế nổi trội của Chloramine B là khi dùng để tẩy trùng, thành phần nước sinh hoạt không thay đổi bao nhiêu so với các hóa chất khác. Tuy nhiên, do thuộc nhóm hữu cơ, clo trong Chloramine B rất dễ phản ứng với hợp chất hữu cơ, tạo ra các hợp chất mới, trong đó có dioxin có nguy cơ gây ung thư.
Qua thực tế địa phương, ông Cát thấy hầu như không ai biết thao tác đúng kỹ thuật đối với Chloramine B. Ngay cả nhân viên y tế, ông cũng thấy ít nhất một nửa trong số họ không biết cách kiểm tra hàm lượng clo dương dư (thành phần có tác dụng khử trùng).
Theo ông Cát, để khử trùng nước uống bằng Chloramine B theo quy định, sẽ có chừng 5 gram benzen hòa tan trong một mét khối nước cần làm sạch, gấp 500 lần tiêu chuẩn cho phép. “Tôi không biết bao nhiêu lần trình bày lợi và hại nhãn tiền ấy với các cơ sở y tế. Hầu như không ai nghe”, ông nói.
Cách hạn chế tối đa rủi ro là dùng đúng liều lượng. Theo ông Cát, biện pháp đơn giản nhất để xác định đủ liều lượng là: Lấy vài hạt Kali Iodide (KI) bé như hạt đường kính cho vào cốc múc từ thùng nước sau khi được tẩy trùng nửa tiếng bằng Chloramine B.
Nếu cốc nước không chuyển màu, chứng tỏ nước còn thiếu Chloramine B. Nếu cốc nước chuyển màu vàng, coi như đã có Chloramine B dư. Nhưng dư bao nhiêu để đủ tiêu diệt vi trùng và không gây hại sức khỏe? Có thể dùng hồ tinh bột như nước cháo nấu từ gạo để thử lượng Chloramine B ở mức định tính. Nhỏ hồ tinh bột vào cốc nước màu vàng, nước sẽ chuyển màu xanh.
Nếu nước màu xanh nhạt, lượng Chloramine B dư chưa đủ, nước chưa được tiệt trùng. Nếu màu xanh đậm, lượng Chloramine B dư quá nhiều. Nếu màu xanh vừa phải, coi như đạt yêu cầu.
Theo ông Cát, các thao tác trên rất nhiêu khê nên ít người dân thực hiện. “Tôi đề nghị Chính phủ sớm tổ chức lấy ý kiến rộng rãi giới khoa học và xem xét sớm thay thế Chloramine B bằng hóa chất an toàn và rẻ hơn”, ông nói.
Thay thế
Theo một số chuyên gia, cách tốt nhất là nên dùng một số hóa chất làm sạch an toàn hơn mà lại rẻ hơn.
Nhóm hóa chất thứ nhất, theo ông Ngô Xuân Trường, là hoạt chất TCCA viên nén loại 20 gram nom như viên sủi có giá 66.000 đồng/kg, chuyên dùng để làm sạch nước uống. Để làm trong nước, có thể mua thêm hoạt chất TACN95 giá 15.000-16.000 đồng/kg.
Nhóm thứ hai được nhiều nhà hóa học khuyến cáo là Chlorua Vôi vì thành phần clo hoạt động ở dạng vô cơ nên không nguy hiểm cho sức khỏe. Ngoài ra, do sản phẩm có cấu trúc dạng rắn và màu sắc đặc trưng, người sử dụng vừa dễ vận chuyển vừa ít sợ bị làm giả.
Tiền Phong từng nêu giải pháp này cách đây ba năm và được độc giả phản hồi Chlorua Vôi làm tăng độ cứng của nước và rất khó hòa tan. PGS.TS Lê Văn Cát cho rằng, hóa chất vô cơ này có tốc độ hòa tan bình thường; ai gặp khó khăn có thể liên lạc theo số 0982966359 để ông hướng dẫn.
Riêng về độ cứng, “so với nước sông Hồng có độ cứng 120-150 mg/lít (tính theo CaCO3), với nước ở vùng cao có độ cứng 300-400mg/lít, việc tăng độ cứng khi dùng Chlorua Vôi chỉ 1-2mg/lít, tức là nhỏ đến mức có thể coi bằng không”, ông nói.
Nước chưa rút hết, không dùng hóa chất Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, nếu bão Megi không đổ bộ và ảnh hưởng đến miền Trung, lũ lụt ở ba tỉnh Bắc Trung bộ sẽ rút trong vòng hai ngày nữa. PGS.TS Lê Văn Cát lưu ý không nên dùng bất cứ biện pháp hóa học nào khi nước lụt chưa rút hết. Khi nước rút, cần khẩn trương làm khô bề mặt sàn và tường. Bề mặt càng khô nhanh bao nhiêu, vi trùng gây bệnh càng chóng chết bấy nhiêu. Thông thường, nền và tường chậm khô chủ yếu do bùn. Bởi vậy, cần hót bùn và dùng nước sạch dội bùn đi càng sớm càng tốt, nhất là khu vực trong nhà, gần nơi sinh hoạt của nhiều người. Việc này càng cần được thực hiện khẩn trương tại các khu dân cư ngập lụt gần bệnh viện, cơ sở chăn nuôi, kho chứa phân bón, hóa chất... |
(Theo Tienphong Online)