Chẳng rõ từ đâu mà trong dân gian lại có lời đồn ăn nhiều thịt lươn sẽ bị bệnh mạch lươn, một căn bệnh khá phổ biến. Mới đây trên mạng lại xuất hiện những tài liệu cảnh báo mọi người phải tránh xa các món lươn vì trong đó có chứa sẵn mầm gây bệnh mạch lươn!
Nhận diện thủ phạm
Bệnh mạch lươn mà dân gian nói, trong y khoa gọi là bệnh rò hậu môn và đứng hàng thứ hai trong các bệnh đến khám ở phòng khám hậu môn. Đây là bệnh lý nhiễm trùng ở vùng hậu môn trực tràng, thể hiện dưới hai dạng: cấp tính (ápxe hậu môn) và mạn tính (rò hậu môn).
Ápxe hậu môn và rò hậu môn là hậu quả của nhiễm trùng ở khe và nhú trong ống hậu môn, từ đó làm viêm và tụ mủ ở các tuyến hậu môn ở giữa hai cơ thắt hậu môn, sau đó phá miệng ra da quanh hậu môn tạo thành rò hậu môn. Có thể do tính chất ăn luồn ở vùng quanh hậu môn và tạo nhiều ngóc ngách đường rò, giống như con lươn ăn luồn dưới bùn, nên dân gian mới đặt tên bệnh này là mạch lươn.
Ápxe hậu môn và rò hậu môn là hai bệnh có triệu chứng khác nhau nhưng cùng nguyên nhân và cùng cơ chế sinh bệnh. Sự khác nhau chỉ thể hiện trên triệu chứng là ápxe có cấp tính ồ ạt và rò có mạn tính âm thầm. 90% nguyên nhân rò hậu môn là do xuất phát từ tuyến hậu môn bị viêm nhiễm các vi khuẩn như trực khuẩn coli, tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn... 10% còn lại có nguyên nhân đặc hiệu như lao, nhiễm nấm, dị vật vùng hậu môn, ung thư hậu môn trực tràng, chấn thương, sau phẫu thuật vùng tầng sinh môn, ung thư bạch huyết, xạ trị vùng chậu... Tỷ lệ mắc bệnh nam/nữ là 4/1, tuổi mắc bệnh từ 30 – 50 tuổi. Với cơ chế gây bệnh như vừa nói thì rõ ràng ăn thịt lươn không thể nào lại gây ra bệnh rò hậu môn. Ngay cả khi dinh dưỡng sai lầm, ăn thịt lươn sống, thì cũng chỉ có nguy cơ bị nhiễm ký sinh trùng, giun… chứ không thể là thủ phạm gây bệnh mạch lươn.
Dễ nhầm bệnh tự khỏi
Thường thì bệnh nhân bị ápxe quanh hậu môn có xu hướng đến khám sớm, từ 2 – 3 ngày sau khi triệu chứng đầu tiên xuất hiện, với cơn đau và có khối căng phồng sưng đỏ nóng cạnh hậu môn, kèm theo sốt. Khối sưng này làm bệnh nhân mất ngủ. Khi đè lên khối phồng, bệnh nhân rất đau nên không thể ngồi thẳng được, phải ngồi nhếch lên không áp mông xuống ghế.
Trái lại, với người bị rò hậu môn thì lại thường đến khám trễ hơn, có khi vài tuần, có trường hợp đến vài tháng. Lúc này cạnh hậu môn xuất hiện một mụn mủ như nhọt đầu đinh. Mụn mủ đau tăng lên khi không bể miệng, nhưng khi vỡ ra và chảy mủ thì bệnh nhân lại thấy hết đau, sau đó mụn này bít miệng. Tình trạng này tái đi tái lại nhiều lần. Do lượng mủ chảy ra ít nên bệnh nhân hay coi thường và để vài ngày mụn tự lành, không đi khám sớm. Nhiều người còn ngộ nhận khi miệng lỗ rò tự bít lại, tức là bệnh đã khỏi, chứ không biết là mỗi lần tái phát đường rò có xu hướng ăn lan và luồn dưới da quanh hậu môn tạo thành đường rò phức tạp.
“Có thể do tính chất ăn luồn ở vùng quanh hậu môn và tạo nhiều ngóc ngách đường rò, giống như con lươn ăn luồn dưới bùn, nên dân gian mới đặt tên bệnh rò hậu môn là mạch lươn”. |
Sự thành công của phẫu thuật rò hậu môn tuỳ thuộc nhiều vào phát hiện mối liên quan giữa đường rò và giải phẫu học vùng hậu môn. Vì vậy phân loại thương tổn giải phẫu bệnh của đường rò là rất quan trọng. Bảng phân loại của bệnh viện Saint Mark được nhiều nước công nhận và áp dụng, gồm bốn nhóm chính: rò liên cơ thắt; rò xuyên cơ thắt; rò trên cơ thắt; rò ngoài cơ thắt. Trong phân loại này, rò ngoài cơ thắt thường là do các nguyên nhân đặc hiệu đã mô tả ở trên, điều trị chủ yếu là điều trị nguyên nhân đặc hiệu đó chứ không phải mổ rò như trường hợp rò do nguyên nhân nhiễm trùng tuyến hậu môn. Ngoài các đường rò chính đã nói, có thể có thêm các đường rò nhánh phụ hay các đường rò thứ phát do bệnh nhân không đi điều trị sớm. Đây chính là nguyên nhân gây thất bại trong điều trị và cũng là lý do vì sao trước khi điều trị rò cần phải biết chính xác hình ảnh thương tổn của đường rò.
Nguyên tắc điều trị
Nếu là ápxe hậu môn: phải được rạch tháo mủ càng sớm càng tốt, tránh ổ mủ lan rộng, tạo thành các đường hầm như mạch lươn, làm hư hại nhiều tổ chức mô ở vùng hậu môn.
Nếu là rò hậu môn: phải chẩn đoán chính xác thương tổn rò qua các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh. Sau khi xác định loại rò mới thực hiện phẫu thuật. Nguyên tắc của phẫu thuật điều trị rò là phải cắt bỏ được mô xơ đường rò nhưng vẫn phải bảo vệ an toàn cơ thắt hậu môn, vì tai biến khi cắt đứt cơ thắt hậu môn sẽ gây ra biến chứng đi cầu mất tự chủ. Đây là biến chứng ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống. Vì vậy khi cắt mô xơ đường rò đến vùng cơ thắt, các bác sĩ thường sử dụng phương pháp cột dây thun bó cơ thắt để cắt dần dần bó cơ thắt này trong nhiều ngày. Việc cột dây thun bó cơ thắt có tác dụng giúp bảo vệ sự toàn vẹn cơ thắt hậu môn, đồng thời dẫn lưu ổ nhiễm trùng và mủ ở đường rò.
Làm sao chẩn đoán chính xác? Sau khi khám lâm sàng chẩn đoán rò hậu môn, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân đi làm xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh để xác định loại thương tổn rò hậu môn. Có ba loại xét nghiệm cho việc này: X-quang đường rò có cản quang; siêu âm hậu môn; chụp cộng hưởng từ đường rò. X-quang đường rò có cản quang: là phương pháp đã thực hiện từ rất lâu, hiện vẫn còn sử dụng. Tuy nhiên chỉ giúp nhận định được là rò có thông vào trực tràng không, không thể xác định vị trí lỗ rò trong trực tràng và chính xác khoảng 25%. Nhược điểm là nếu bơm thuốc cản quang áp lực cao có thể gây vỡ đường rò và thuốc lan rộng ra phần mềm chung quanh, làm bệnh nhân rất đau và có khi phải mổ cấp cứu do đau. Siêu âm hậu môn: là phương pháp an toàn, ít xâm lấn, cho kết quả chính xác vị trí của ổ ápxe hậu môn và kích thước ổ ápxe. Với chẩn đoán đường rò siêu âm giúp phát hiện được đường đi của đường rò, vị trí lỗ rò trong trực tràng, đường rò nhánh và phân loại đường rò. Chụp cộng hưởng từ: cho kết quả chính xác như siêu âm nhưng giá thành quá mắc nên thường áp dụng trong các trường hợp rò phức tạp, mổ nhiều lần không hết. |
(Theo ThS.BS Dương Phước Hưng // sgtt online)