Cây thạch lựu còn gọi là cây lựu, cây nhược lựu. Đông y sử dụng phần lá, hoa, vỏ quả, rễ lựu làm thuốc chữa các bệnh như: chảy máu cam, viêm tai giữa, làm ấm phổi, trị quai bị, đau răng, chốc đầu trĩ…
Cây lựu là vị thuốc chữa được nhiều loại bệnh. |
1 - Hoa thạch lựu: có tác dụng trị các vết thương chảy máu, viêm tai giữa, làm ấm phổi, tiêu hóa tốt.
Trị chứng chảy máu cam lâu dứt: Lấy hoa lựu phơi khô, tán bột mịn, mỗi lần thổi vào lỗ mũi 1 ít.
Trị chứng viêm tai giữa, đau răng: Lấy 30g hoa lựu, nấu uống thay trà
Trị chứng nóng trong người, giúp tiêu hóa tốt, bổ dạ dày: Lấy 20g hoa lựu, 20g hoa đỗ quyên, nấu trà uống
2 - Lá cây thạch lựu: Dùng lá thạch lựu giã nát đắp lên các vết thương bầm tím, tụ máu rất tốt.
Nấu lá thạch lựuđể rửa các nốt chốc đầu, các nốt đậu mùa giúp chóng lên da non.
3 - Quả thạch lựu: giàu chất dinh dưỡng. Khi chín trong hạt lựu có chứa axit hoa quả, đường, vitamin C…
Trị chứng kiết lỵ lâu không đỡ: Lấy quả lựu phơi khô, tán bột mịn. Mỗi lần uống từ 10-20g với nước cơm, rất hiệu quả.
Trị chứng quai bị: Lấy 1-2 quả lựu tươi, bóc lấy hạt nghiền nát. Cho vào nước sôi ngâm khoảng 30 phút rồi lọc lấy nước ngậm, súc miệng ngày vài lần.
4 - Vỏ quả thạch lựu: Có tác dụng cầm máu, trị đau bụng do giun, hắc lào, ghẻ, trĩ ra máu, khí hư …
Trị trĩ lòi ra ngoài, khí hư nhiều: Lấy vỏ lựu ninh với đường trắng, ăn cho kết quả tốt.
Trị chứng băng huyết: Lấy 90g vỏ quả thạch lựu sắc với nước uống cùng mật ong.
Trị chứng tỳ hư tiêu chảy: 15-30g vỏ quả thạch lựu, sắc cùng đường đỏ uống.
Rễ cây thạch lựu: ôn tính, có vị đắng chát, có tác dụng chữa tiêu chảy, sát khuẩn.
Dùng rễ thạch lựu sắc đặc uống có tác dụng trị chứng cam răng, chảy máu cam, cam mũi, ra khí hư nhiều.
Lưu ý: Những người mắc chứng tả lỵ vừa khỏi và người bị bệnh táo bón không dùng được những vị thuốc từ cây thạch lựu.
(Theo BS Nguyễn Thị Thêu // Tienphong Online)