ôi được bà Mười ở Gành Ráng (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), một cán bộ hưu trí, kể về cây thuốc vô danh đã giúp bà chữa lành vết thương. Trong kháng chiến chống Mỹ, bà Mười nhiều lần bị địch bắt bỏ tù, bị tra tấn nên thân thể mang đầy thương tích. Có một vết thương đã lành hàng mấy chục năm, bỗng nhiên tái phát, lở loét trong cả năm trời. Bà Mười đã đến Viện Quân y 13 (TP Quy Nhơn) điều trị cả tháng nhưng không khỏi.
Hình dạng cây thuốc vô danh - Ảnh: N.TÂM
Ngày nọ, bà được một người dân tộc thiểu số chỉ cho cây thuốc nam ở trên núi cao và bà đã đánh liều dùng nó trong những ngày còn nằm viện. Tối, bà lén đắp thuốc, sáng dậy sớm gỡ ra. Ba ngày sau, vết thương đỡ hẳn. Sau đó, bị các thầy thuốc ở viện phát hiện, bà phải nói thật là đã tốn cả chỉ vàng để thuê người lên núi cao ở các huyện Tây Sơn, An Lão (Bình Định) tìm cây thuốc và đã dùng để có được kết quả như đã thấy.
Được viện đồng ý cho điều trị bằng cây thuốc nói trên, trong vòng 10-15 ngày, vết thương của bà lành hẳn. Bà Mười bèn thuê người lên núi đào cây thuốc về trồng trong vườn nhà để chữa trị mỗi khi vết thương tái phát.
Chú tôi, ông Nguyễn Phú Mỹ, từng là du kích, bị thương ở đùi trong trận đánh xuân Mậu Thân 1968. Vết thương lành hơn 30 năm bỗng nhiên lở loét mà không hiểu vì sao. Ông cũng đã điều trị tại Viện Quân y 13 trong 40 ngày. Các bác sĩ ở viện đã phẫu thuật, róc bỏ phần thịt đã hoại tử rồi khâu lại, cho về nhà điều trị bằng kháng sinh liều cao. Suốt 20 ngày sau khi ông xuất viện, chất dịch vàng từ vết thương vẫn rò rỉ qua hai lỗ loét bằng ngón tay út.
Đến thăm ông, tôi chợt nhớ đến cây thuốc mà bà Mười đã kể và chỉ cho tôi xem dạo nọ. Bằng trí nhớ của mình, tôi đã tìm ra cây thuốc đó trên núi cao và mang về chỉ cho ông cách dùng: Cắt thân cây từng đoạn theo chiều dài của vết thương, cho vào bếp than nướng vừa chín lấy ra lột vỏ rồi dùng vật tròn (chai lọ) cán dẹp theo chiều rộng của vết thương, đắp vào, băng lại. Chú tôi dùng trong 5 ngày, vết thương khô ráo, khép miệng. Ông không dùng thuốc kháng sinh nữa mà chỉ đắp cây thuốc mà ông tin là có hiệu quả. Trong vòng 7 ngày, vết thương đã lành.
Anh Lê Ngọc Minh ở TP Tuy Hòa bị bệnh mạch lươn hơn 2 năm. Hơn một tháng sau khi phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên về, mạch lươn đã tái phát, mưng mủ. Tôi và anh đã đi tìm cây thuốc ấy ở khu vực suối nước nóng thôn Triêm Đức (xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân). Đắp cây thuốc trong vòng 7 ngày, vết thương đã lành hẳn.
Tôi không biết mô tả thế nào về hình dáng, đặc tính của cây thuốc một cách chính xác. Chỉ biết rằng đây là một cây thuốc chữa trị các vết thương lở loét lâu ngày như mạch lươn, nhiễm trùng... rất hiệu nghiệm. Cây có đặc tính: thân nước (như cây sống đời), màu tím sẫm; lá hình thuổng, xanh đậm. Mong các lương y nghiên cứu về công dụng của cây thuốc này, sau khi có kết quả thì phổ biến để giúp những người như bà Mười, ông Mỹ, anh Minh...
(Theo MẠNH MINH TÂM // Tienphong Online)