Kinh nghiệm sử dụng thuốc bằng cây cỏ trong tự nhiên rất phong phú được truyền qua nhiều thế hệ, góp phần không nhỏ trong việc chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe mọi người. Dưới đây là một số cây thuốc làm nước mát dùng trong ngày hè do bác sĩ chuyên khoa I Lương Tấn Thông (Chủ tịch Hội Châm cứu - Đông y tỉnh) cung cấp, xin giới thiệu với bạn đọc.
Rễ tranh
Có tên khác là Bạch mao căn (tên khoa học: Rhizoma Imperatae), cỏ tranh là loại cỏ sống dai, thân, rễ chắc, khỏe. Chúng ta thu hoạch rễ tranh từ cây cỏ tranh để làm thuốc. Trong rễ tranh có các chất glucoza, fructoza và axit hữu cơ. Theo Đông y, rễ tranh có vị ngọt, tính hàn vào 3 kinh tâm, tỳ và vị có tác dụng thông tiểu tiện và tẩy độc cơ thể, dùng chữa nội nhiệt phiền khát, tiểu tiện khó khăn, tiểu ra máu.
Liều dùng: 10 - 40g dạng thuốc sắc.
Cây thuốc dòi
Có tên khác là cây Bọ mắm, tên khoa học là Pouzolzia Acylanica, là loại cỏ thân mềm, thân cây có lông. Lá mọc so le, có khi mọc đối có lá kèm, hình mác, hẹp, trên gân và 2 mặt đều có lông nhất là ở mặt dưới; lá dài 4 - 9cm, rộng 1,5- 2,5cm có 3 gân xuất phát từ cuống, cuống dài 5mm có lông trắng. Hoa tự đơn tính mọc thành tim co. Quả hình trứng nhọn, có bao hoa có lông. Toàn cây, lá có thể dùng làm thuốc. Theo y học cổ truyền, kinh nghiệm sử dụng cây thuốc dòi trong nhân dân bằng cách sắc uống hay nấu thành cao dùng để chữa bệnh ho lâu năm, ho lao, viêm họng; làm thuốc mát và thông tiểu, thông sữa.
Liều dùng: 10 - 20g dạng thuốc sắc.
Cây mía
Tên khoa học là Sacharum Officinanum, là loại cỏ sống dai, thân yếu, thân rễ mang các thân cây mọc trên mặt đất cao từ 2 - 5m. Thân có đốt chứa nhiều sacaroza
Trong thân cây mía có chứa sacaroza chiếm từ 7 - 10%, protein 0,22%, chất béo (0,5%) và một số chất khác như: glyxin, arabinoza, glutamin, guanin, arabinoza... dùng toàn cây (bỏ rễ và ngọn). Theo y học cổ truyền, mía có tác dụng tiêu đờm, hết khát, bổ dưỡng.
Liều dùng: 100g - 200g dạng thuốc sắc.
Mã đề
Tên khác là Xa tiền, Suma (Tày), Nhả én dứt (Thái), Nằng cháy mia (Dao); tên khoa học là Plantago Mazor. Mã đề là cây thân thảo sống hàng năm, thân ngắn; lá hình thìa có cuống dài, mọc thành cụm từ gốc, mép lá nguyên hay có răng cưa nhỏ và thưa. Hoa mọc ở nách lá có cuống dài. Hoa đều lưỡng tính, cánh đài xếp chéo nhau, 4 cánh hoa màu nâu, 4 nhị có chỉ nhị mảnh và dài. Bầu 2 ô chứa 6 - 18 hạt, hạt nhiều, nhỏ hình bầu dục tròn 1 - 1,5mm màu nâu đen.
Lá mã đề có chứa Iridoid, axit phenolic, majorosid, chất nhày và một số chất khác như: Axit cinamic, axit cafeic caroten, Vitamine K, Vitamine C... Bộ phận dùng làm thuốc của cây mã đề là phần trên mặt đất và hạt. Lá mã đề có vị nhạt, tính mát; hạt có vị ngọt, nhạt, nhớt. Quy vào 4 kinh: Can, phế, thận, tiểu trường có tác dụng thanh nhiệt, lợi phế, tiêu thũng, thông tiểu tiện.
Mã đề từ 6 - 12g dạng thuốc sắc dùng để chữa ho lâu ngày, viêm khí quản, viêm thận và bàng quang, bí tiểu tiện, tiểu tiện ra máu hoặc ra sỏi, phù thũng.
(Theo BDO)