Bệnh thường xảy ra ở người cao tuổi nhưng không phải người cao tuổi nào cũng mắc bệnh này. Từ 50 tuổi trở lên thì bệnh tăng theo tuổi: 27% ở tuổi 60 – 70; 45% vào tuổi 80
Nữ đau nhiều hơn
Ảnh: H.T |
Người bệnh thường cảm thấy đau ở những khớp gần đầu ngón tay, xương sống, đầu gối, hông và cổ tay và thường là do sự thoái hoá của xương và sụn gây ra. Bệnh viêm xương khớp thường xảy ra ở các khớp di động như: đầu gối, khớp háng, khớp cột sống.
Nam và nữ đều có thể mắc bệnh như nhau. Tuy nhiên, vào mùa lạnh, viêm khớp dạng thấp gây ảnh hưởng xấu ở phụ nữ nhiều hơn nam giới. Có thể vì nam giới có cấu tạo cơ thể vững chắc hơn nữ, xương cốt cơ bắp mạnh hơn, nên chịu đựng được tác dụng của thời tiết.
Một số phương pháp giảm đau
Cho đến nay, chưa có thuốc nào chữa dứt bệnh viêm xương khớp mà chỉ chữa theo triệu chứng: đau đâu chữa đó, đau lúc nào uống thuốc lúc ấy.
Vật lý trị liệu: đây là phương pháp được áp dụng nhiều hiện nay, giúp bệnh nhân phục hồi một số chức năng của bắp thịt và khớp như khả năng co duỗi, chuyển động mềm mại…
Vận động: làm tăng sự mềm mại của cơ thịt, co vào duỗi ra dễ dàng, khớp cử động nhẹ nhàng, tăng máu lưu thông đến nuôi dưỡng khớp, làm bớt đau. Lưu ý: chỉ vận động vừa sức mình, không vận động khi khớp đang sưng, nóng, đau.
Giảm béo: giảm cân là cách tốt nhất để làm cơ thể nhẹ nhàng, bớt sức nặng dồn lên khớp khi ta di chuyển.
Thuốc: mục đích chính của thuốc là làm giảm đau, chống viêm, sưng; có thể uống, thoa hoặc chích.
Dinh dưỡng: nhiều chuyên gia đề nghị áp dụng dinh dưỡng trong việc chữa bệnh xương khớp. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào khẳng định chế độ ăn uống hoặc một loại thực phẩm nào có thể chữa bệnh này. Một số chuyên gia cho rằng: nếu ăn vài trăm gram cá mỗi ngày có thể giảm cứng khớp mỗi sáng thức dậy hay uống dầu cá viên trong hai tuần lễ có thể giảm sưng và đau của viêm khớp. Cà chua cũng làm bớt đau viêm khớp.
Ngoài ra, trong sinh hoạt hàng ngày cần chú ý các cử động như nên ngồi nhiều hơn đứng, ghế ngồi có chỗ dựa lưng để làm giảm căng thẳng cho bắp thịt ở lưng. Đừng cầm vật gì nặng quá lâu, thường xuyên co duỗi các khớp xương, vươn vai để cột sống khỏi cứng nhắc. Nếu cần nâng vật nặng nên sử dụng cả hai tay và chịu sức nặng vào hai chân thay vì sống lưng. Làm như vậy sẽ phần nào tránh được khả năng mất vận động.
– Nguy cơ dễ bị bệnh gồm có: béo phì, chấn thương khớp, tật bẩm sinh, di truyền, bệnh về chuyển hoá, xáo trộn kích thích tố.
– Triệu chứng: khớp đau, sưng, giảm cử động, co cứng… là những dấu hiệu thường thấy. Sau một thời gian, các triệu chứng trên đưa tới mất chức năng của khớp khiến người bệnh không thực hiện được những sinh hoạt thông thường. Đứng lên, ngồi xuống… đều có khó khăn, giới hạn.
– Viêm khớp khó mà lành hẳn nhưng sau một năm chứng đau nhức thường giảm bớt do thoái hoá làm mòn hết sụn, hai đầu xương tiếp tục cọ xát vào nhau trở nên nhẵn bóng như ngà.
( Theo TS – BS Nguyễn Ý Đức, hội Lão khoa, Mỹ // SGTT Online)