Từ đầu năm đến nay đã có 2 trường hợp tử vong do ăn sắn mì, đều là trẻ em. Sắn mì là món ăn khá thơm ngon, tuy nhiên có chứa một hàm lượng chất độc rất nguy hiểm, hầu hết mọi người biết điều này, nhưng do chủ quan khi chế biến nấu nướng nên những trường hợp ngộ độc vẫn xảy ra.
Độc tố trong sắn mì (khoai mì) là một loại glucosid, khi gặp men tiêu hóa, axit hay nước, sẽ thủy phân và giải phóng axit cyanhydric (HCN), một chất có thể gây độc chết người. Liều gây chết là 1mg/kg thể trọng. Liều gây ngộ độc là 20mg cho một người lớn. Tuỳ theo lượng ăn nhiều hay ít, triệu chứng ngộ độc biểu hiện cấp tính hay ngộ độc chậm.
Ngộ độc cấp tính thể hiện các triệu chứng: chóng mặt, buồn nôn, lưỡi bị kích thích tê đi, người bệnh có cảm giác sợ hãi, co giật, giãn đồng tử, co cơ và co cứng hàm, ngạt thở, thở chậm, mạch không đều, sắc mặt tím tái, liệt hô hấp và tim. Chết sau 30 phút.
Ở liều thấp hơn, ngộ độc có triệu chứng co thắt hầu họng, buồn nôn, mệt toàn thân, nhức mỏi, choáng váng, đau đầu, ê ẩm.
Ngộ độc chậm có triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, mệt toàn thân, mắt đỏ, khô cổ họng và mũi.
Những trường hợp ngộ độc thường do ắn sắn sống , sắn lùi (nướng), hoặc luộc chưa chín, hoặc ăn sắn cả vỏ.
Cấp cứu bệnh nhân cần khẩn trương bằng cách gây nôn cho bệnh nhân, đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất
Loại sắn mì nào cũng có glucosid sinh HCN, nhưng sắn đắng có nhiều hơn (từ 6-15mg/100g so với sắn thường 2-3mg/100mg), phân bố không đồng đều trong củ sắn, thường có nhiều ở lớp vỏ trong. Mì có vị đắng càng nhiều thì lượng độc tố càng nhiều
Axit cyanhydric là chất dễ bay hơi, tan trong nước, có thể oxy hóa thành axit cyanic không độc, kết hợp với đường thành một chất không độc. Dựa trên tích chất đó, có thể vận dụng cách chế biến, nấu nướng sắn tránh ngộ độc. Bóc vỏ, ngâm nước qua đêm, luộc mở nắp nồi cho hơi nước bay hơi sẽ làm mất rất nhiều lượng chất độc.
Măng cũng có glucosid sinh HCN. Triệu chứng ngộ độc cũng như đối với sắn. Nên nhớ luộc măng, bỏ nước trước khi ăn. Khi thấy còn đắng, cần luộc lại.
BS ĐOÀN VĂN HẢI
(Theo Phú Yên Online)