Nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học chứng minh: Chỉ cần rửa tay trước khi ăn, trước khi chăm sóc trẻ, sau mỗi lần đi vệ sinh hay cầm nắm các công cụ lao động là đã giảm được từ 37% - 47% các bệnh về đường tiêu hóa như tả, lỵ, tiêu chảy, thương hàn, giun sán... và nhiều bệnh khác như nhiễm trùng da, viêm kết mạc mắt. Mặc dầu rửa tay có lợi như vậy nhưng không phải ai cũng thực hiện, hoặc thực hiện nhưng không đúng nên hiệu quả không cao.
Nên duy trì thường xuyên việc rửa tay bằng xà phòng. - Ảnh: T.THỦY |
Theo Phó giáo sư - tiến sĩ Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế: “Chỉ có 12% người dân có thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau đi vệ sinh, trong khi đó cứ 10 vụ ngộ độc thì có đến 7 vụ có nguyên nhân từ bàn tay bẩn”. Điều đó cho thấy còn một khoảng cách khá lớn giữa hiểu biết và thực hành rửa tay bằng xà phòng.
Cuộc điều tra các thói quen và hành vi liên quan đến việc rửa tay ở nhóm các bà mẹ có con dưới 5 tuổi do Bộ Y tế tiến hành, cho thấy: chỉ có 30% số bà mẹ được phỏng vấn rửa tay trước khi cho con ăn và 20% rửa tay sau khi cho con ăn. Trong hầu hết các trường hợp, họ chỉ rửa tay bằng nước. Điều tra cũng cho thấy chỉ 22,5% các bà mẹ rửa tay sau khi cho con đi vệ sinh; hơn một nửa trong số họ rửa tay bằng nước, không dùng xà phòng hay bất kỳ loại hóa chất tẩy rửa nào.
Trong khi đó, việc rửa tay đơn giản đã giúp một người bình thường giảm 30% nguy cơ lây nhiễm những loại bệnh liên quan đến đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, bệnh chân tay miệng... và đặc biệt là cúm A (H5N1) - một dịch bệnh đang diễn ra hết sức phức tạp trong thời gian gần đây. Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cho hay: “Một bàn tay bẩn chứa đến hơn 40.000 loại vi khuẩn gây bệnh. Nếu không giữ sạch, tay là nơi vận chuyển vào cơ thể vi khuẩn, hóa chất độc hại từ môi trường và các chất bẩn khác do tiếp xúc thông thường”.
Ở Phú Yên, tuy chưa có cuộc điều tra chính thức nào về kiến thức, thái độ, thực hành rửa tay bằng xà phòng nhưng trong quá trình công tác, chúng tôi đã có nhiều cuộc tiếp xúc và phỏng vấn người dân, trong đó có cả học sinh sinh viên, cán bộ viên chức nhà nước về vấn đề này. Đa số người được hỏi hiểu về lợi ích của việc rửa tay bằng xà phòng, nhưng phần lớn không rửa tay thường xuyên, rửa qua loa, rửa tay nhưng với nước không sạch hoặc không rửa với xà phòng do quên, không có đủ nước sạch, thiếu xà phòng, chỗ để xà phòng không thuận lợi, thiếu khăn lau, thiếu dụng cụ múc nước...
Để nâng cao tỉ lệ người rửa tay bằng xà phòng, cần tăng cường tuyên truyền về lợi ích của việc rửa tay bằng xà phòng; cung cấp đủ nước sạch đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là ở các trường học, các tụ điểm dân cư. Đặc biệt, trong mỗi gia đình, cơ quan, trường học, xí nghiệp..., cần bố trí vòi nước, nơi rửa tay, chỗ đặt xà phòng thuận lợi để mọi người có thể sử dụng một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, giáo viên trong các nhà trẻ, trường mẫu giáo, tiểu học cần được tập huấn kỹ về rửa tay bằng xà phòng để họ hướng dẫn cho học sinh. Các trường học, cơ quan, xí nghiệp, công sở cần đầu tư công trình nước sạch, khu vệ sinh đúng tiêu chuẩn... Có như vậy chúng ta mới có thể nâng cao tỉ lệ người rửa tay bằng xà phòng, góp phần phòng chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe của nhân dân.
BS NGUYỄN VINH QUANG
(Truyền thông-Giáo dục sức khỏe Phú Yên)
(Theo Phú Yên Online)