Các nhà khoa học Canada vừa đưa ra lời khuyên về chế độ nghỉ ngơi hàng ngày. Ngủ đủ giấc, nhưng không quá nhiều, sẽ tăng cường sức đề kháng đối với bệnh tiểu đường type 2.
Ảnh: Limboluster |
Những người ngủ ít hơn sáu tiếng mỗi ngày có nguy cơ mắc tiểu đường hoặc bị xáo trộn dung nạp glucose cao gấp 2 lần so với những người ngủ từ bảy đến tám tiếng mỗi ngày.
Thêm vào đó, các chuyên gia của ĐH Laval, Quebec, Canada cho biết, những người ngủ từ chín tiếng trở lên mỗi ngày cũng có nguy cơ cao tương tự.
Kết quả này cho thấy, thời lượng của giấc ngủ có tác động không nhỏ đến nguy cơ mắc tiểu đường type 2 và chứng xáo trộn dung nạp glucose. Ngủ quá ít hoặc quá nhiều đều không có lợi cho sức khỏe.
Tình trạng thiếu ngủ càng kéo dài sẽ làm cho nguy cơ tiểu đường càng tăng cao. Trong vòng 6 năm, các nhà nghiên cứu đã theo dõi 276 người từ 21 đến 64 tuổi có tình trạng trao đổi glucose bình thường khi bắt đầu nghiên cứu.
Sau khi tính đến những yếu tố khác có thể tác động đến cả thời gian ngủ và bệnh tiểu đường, như cường độ hoạt động thể chất, tuổi tác và thuốc lá, các chuyên gia đã đi đến kết luận: những người ngủ ít hơn sáu tiếng mỗi ngày có nguy cơ bị xáo trộn dung nạp glucose và tiểu đường type 2 cao hơn 2,78 lần so với người ngủ đủ giấc; ngủ quá nhiều, từ chín tiếng trở lên mỗi ngày có nguy cơ cáo hơn 2,54 lần.
Ngoài ra, chỉ số cơ thể (BMI), vòng eo và hàm lượng mỡ trong cơ thể cũng liên quan đến bệnh tiểu đường và xáo trộn dung nạp glucose.
(Theo Reuters Health/TPO)