Vì “cậy sức trẻ” nên nhiều người lờ việc thi thoảng bị đau lưng. Sự chủ quan đó về lâu dài có thể dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm và khó điều trị.
Đau lưng mỏi gối thường xảy ra ở người già khi bị loãng xương, thoái hóa khớp, nhưng theo ghi nhận tại các bệnh viện, người trẻ đau lưng cũng khá phổ biến. Tuy nhiên, vì “cậy sức trẻ” nên nhiều người lờ đi. Sự chủ quan đó về lâu dài có thể dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm và khó điều trị.
Vượt qua nhờ sức trẻ
Người trẻ không nên chủ quan khi bị đau lưng. |
Khi gắng sức khuân cái vali to kềnh lên cầu thang, bạn đột nhiên thấy đau nhói ngang thắt lưng, hoặc lúc cố đẩy chiếc xe máy lên thềm nhà, bả vai của bạn đột ngột cứng cơ và đau khi cử động. Thường người trẻ bị đau trong một thời gian ngắn.
Đang ngồi ở chiếc ghế bành xem ti vi, bạn đột ngột đứng lên để với tay lấy cái điều khiển trên đầu tủ, nhưng khi ngồi trở lại thì lưng ê ẩm. Triệu chứng này sẽ nhanh chóng mất đi và bạn tiếp tục… xem ti vi.
Bạn là công nhân xây dựng, mỗi ngày đều phải khiêng, vác những vật liệu nặng. Tối về, ăn chưa xong bữa thì cái lưng của bạn đã “đòi” đi nằm vì quá mỏi và đau khi cử động. Nhưng chỉ cần yên vị trên giường thì bạn đã có thể đánh ngay một giấc đến sáng và lại bắt đầu một ngày với công việc quen thuộc.
Bạn là một nhân viên văn phòng, mỗi ngày đều phải ngồi liên tục nhiều giờ trong cùng một tư thế. Cứ đến giữa giờ làm việc là bạn cảm thấy đau và mỏi ở vùng cột sống cổ, thắt lưng và bả vai. Nhưng cảm giác này cũng sẽ nhanh chóng trôi qua do “sức trẻ”.
Bạn dễ dàng chịu đựng những cơn đau nhất thời và lờ nó đi, nhưng đến một ngày, bạn nhận ra chứng đau lưng của mình càng lúc càng trầm trọng và dai dẳng, nó chi phối mọi hoạt động và toàn bộ cuộc sống của bạn.
ThS-BS Hồ Thị Đoan Trinh - Trưởng khoa Điều trị Đau Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương cho biết: nếu loại trừ những bệnh lý gây tổn thương thực thể thì triệu chứng đau cấp tính thường gặp nhất là do ngồi, nằm, đi đứng sai tư thế hoặc chuyển tư thế không đúng cách. Những động tác này lặp đi lặp lại nhiều lần làm biến dạng vùng cột sống, lâu ngày sẽ gây chèn ép rễ dây thần kinh.
Hậu quả của sự chủ quan
Khối cơ lưng và dây chằng luôn đòi hỏi phải vận động để phòng ngừa sự ứ đọng chất trung gian hóa học trong cơ. Ít vận động hoặc vận động không điều độ, cố gắng quá sức và vội vàng thì cơ thể sẽ phản ứng.
Vận động quá mạnh sẽ tác động làm giãn cơ và dây chằng cột sống. Một số động tác không đúng lặp đi lặp lại nhiều lần gây tổn thương đến một vài vị trí đốt sống cố định còn là một trong những yếu tố nguy cơ thúc đẩy nhanh quá trình thoái hóa đốt sống. Thoái hóa đốt sống là một trạng thái tự nhiên trong quá trình lão hóa của cơ thể nhưng thực tế, nhiều người bị thoái hóa cột sống khi tuổi còn rất trẻ.
Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp đau lưng do chế độ ăn uống không phù hợp. Ăn quá no, thức ăn tồn tại ở dạ dày lâu, nếu không vận động sẽ gây chướng bụng, đầy hơi, dẫn đến kéo căng cột sống và căng cơ vùng thắt lưng. Một số bệnh dạ dày như viêm loét vùng tá tràng cũng có thể gây chèn ép dây cột sống thắt lưng.
Khi lưng bạn đã báo hiệu bằng triệu chứng đau thì hãy “lắng nghe” nó để tìm ra nguyên nhân và điều chỉnh kịp thời trước khi nó chuyển thành các bệnh lý mãn tính như đau thần kinh tọa, vẹo cột sống, thoát vị đĩa đệm, trượt đốt cột sống… Những bệnh lý này sẽ rất khó điều trị để trả lại trạng thái ban đầu. Trong những trường hợp đau đột ngột, đau dữ dội, đau kéo dài, đau kèm theo các triệu chứng như tê, sưng, phù… hoặc khi cơ thể không đáp ứng được với những loại thuốc giảm đau thông thường thì cần nhanh chóng đến bác sĩ để được trị liệu.
Các triệu chứng đau lưng không chỉ làm giảm năng suất làm việc mà còn ảnh hưởng đến nhận thức, tâm sinh lý, lâu ngày sẽ làm thay đổi hành vi và rối loạn tâm lý.
(Theo Phụ nữ TPHCM)