Có những việc tưởng như vô hại mà chúng ta vẫn thường làm quanh năm sẽ trở nên nguy hại nếu làm trong thời tiết nóng nực của mùa hè.
Khi có sự tác động của nắng nóng cơ thể sẽ có những phản ứng để tự thoát nhiệt như dãn nở mạch máu để máu dồn nhiều tới da và tiết nhiều mồ hôi. Nếu khi đó lại có thêm những hoạt động bất lợi cho cơ thể thì sự điều hòa thân nhiệt của cơ thể sẽ không thích ứng kịp với sự thay đổi nhanh và tăng cao của nhiệt độ môi trường, dẫn tới những biến đổi sinh hóa lớn trong cơ thể, có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe. Đó là lý do để bạn nên tránh những điều sau:
Không nên ép, nhuộm, sấy tóc: Nhiệt độ cao, nóng, bức xạ của ánh nắng mặt trời cộng với khói bụi là những lý do khiến mùa hè chính là thời điểm dễ gây hỏng tóc nhất trong năm. Nhất là những mái tóc thường sử dụng hóa chất như uốn, ép nhuộm. Những mái tóc nhuộm tông màu sáng sẽ bị ảnh hưởng của ánh nắng nhiều hơn do thành phần hóa chất trong thuốc nhuộm màu tóc sáng là những chất có tác dụng làm ô xy hóa và tẩy rất mạnh. Khi nhuộm tóc rồi, các phân tử hóa chất này bám chặt vào sợi tóc, không một loại dầu gội nào có thể tẩy nó đi được, nếu kết hợp với môi trường nắng nóng như mùa hè sẽ làm tóc bị hỏng rất nhanh. Bên cạnh đó, bạn cũng đừng quên rằng, vào mùa hè các loại máy sinh nhiệt như máy sấy, máy là, làm quăn tóc sẽ đốt nóng và làm mái tóc bị khô, xơ xác. Đây cũng là nguyên nhân gây cho tóc bị chẻ ngọn.
Không nên đeo nữ trang bằng kim loại: Mùa hè cơ thể toát nhiều mồ hôi, các kim loại như niken, crôm có trong các nữ trang như hoa tai, dây chuyền, vòng tay v.v... dễ “hòa tan” vào mồ hôi, nhất là với những người bị đổ mồ hôi nhiều, gây viêm da do tiếp xúc.
Không phơi nắng ngay khi vừa tắm biển: Nếu tắm xong lên phơi nắng ngay, muối của biển cũng như chất tẩy rửa Clo trong bể bơi cộng với các tia cực tím dễ gây các vết bỏng hoặc dị ứng cho da.
Không ăn quá mặn: Nhiệt độ nóng bức khiến tim đập nhanh, huyết áp vì thế cũng tăng, đặc biệt với những người vốn đang bị cao huyết áp. Khi đó, nếu ăn mặn thì cân bằng natri và kali bị đảo lộn, thận tăng cường thải natri, kali và canxi ra nước tiểu. Thận phải làm việc nhiều dẫn đến suy thận. Cơ thể thiếu kali sẽ mệt mỏi, cơ tim mất kali nhiều sẽ gây loạn nhịp, thậm chí ngừng đập. Xương mất canxi sẽ gây loãng xương. Ăn mặn còn khiến dịch vị tiết ra nhiều hơn, là tiền đề của loét dạ dày, tá tràng. Ngoài ra, ăn mặn còn làm tăng áp suất thẩm thấu trong máu, tác động trực tiếp đến “trung tâm khát” ở não và làm chúng ta uống nước nhiều hơn. Các kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy, nếu ăn thừa 8 - 9 gam muối thì cơ thể sẽ giữ lại chừng 1 lít nước. Lượng nước thừa này sẽ làm cơ thể bạn cảm thấy nặng nề hơn, dẫn đến làm tăng khối lượng tuần hoàn, đồng thời làm co cơ trơn thành mạch, dễ dẫn tới chứng tăng huyết áp.
Tránh các thực phẩm, gia vị cay nóng và các món ăn nhiều dầu: Khi cơ thể bị nóng bức vì mất nước do ra nhiều mồ hôi, một số cơ quan nội tạng sẽ bị rối loạn… Do đó, cần tránh hoặc hạn chế dùng một số thực phẩm, món ăn có thể làm tăng nội nhiệt, dễ làm cho cơ thể mắc một số bệnh. Đó là các loại thức ăn cay nóng, sử dụng quá nhiều gia vị như: ca-ri, quế, đại hồi, đinh hương, thảo quả, gừng, riềng, sả, tiêu, nghệ, hành, tỏi; Các thực phẩm nướng chế biến từ thịt gia súc, gia cầm, cá, rau củ quả nướng; Những loại thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ. Nếu ăn các món như nem rán, chả giò, bánh xèo, bánh khoai, bánh ngọt... nên dùng kèm các loại rau xanh, rau gia vị như cải non, cải cay, xà lách, diếp cá, húng quế, giá đậu, dưa leo, hẹ, cải cúc... để giải bớt nhiệt do loại thức ăn này mang đến.
Không ăn quá nhiều các loại quả gây nóng trong người: Đó là các loại trái cây thuộc nhóm dương tính, khí nóng, ấm, vị ngọt đậm, nhiều đường như: nhãn, xoài chín, mít, mãng cầu, vải, mận, sầu riêng và các loại trái cây khô. Đặc biệt, mận và vải là hai loại quả xuất hiện vào mùa hè, mặc dù bổ dưỡng nhưng không nên ăn quá nhiều. Mỗi ngày chỉ nên ăn hai quả là đủ.
Không nên ăn, uống nhiều đồ lạnh để hạ nhiệt: Thức ăn lạnh, hay đồ uống có đá chỉ để đánh lừa cảm giác, mang lại cho bạn cảm giác mát lạnh ở đầu lưỡi, chứ thực tế chúng lại không giúp cơ thể giải nhiệt như mọi người vẫn tưởng. Nhiệt độ của đồ uống có đá thường thấp hơn nhiệt độ trong dạ dày từ 20 - 30 độ C, nên khi uống vào trong cơ thể rất dễ kích thích dạ dày khiến cho mạch máu co lại, niêm mạc thiếu máu và suy giảm chức năng tiêu hóa và diệt vi khuẩn của dạ dày, dễ dẫn đến co giật, thậm chí đau bụng và còn có nguy cơ bị “Tào Tháo” ghé thăm. Do đó, dù muốn uống đồ lạnh cũng chỉ nên để chúng trong tủ lạnh khoảng 30 phút để đồ uống có nhiệt độ là 5 - 10 độ C, đây là nhiệt độ lý tưởng nhất, vừa đủ mát lại không hại dạ dày.
Không bỏ qua giấc ngủ trưa: Vào mùa hè cơ thể bị mệt mỏi bởi nhiệt độ cao. Bên cạnh đó, trong những ngày hè thì ngày dài, đêm ngắn, quá trình trao đổi chất diễn ra tốt, năng lượng tiêu hao lớn, thêm vào đó đêm ngủ không ngon do trời nóng, dẫn đến bị thiếu ngủ. Do đó, đừng bỏ qua giấc ngủ trưa 15 - 30 phút. Giấc ngủ này rất tốt cho sức khỏe, giúp cơ thể được nghỉ ngơi và ngăn chứng trúng cảm nắng.
Nếu ăn thừa 8-9 gam muối thì cơ thể sẽ giữ lại chừng 1 lít nước làm cơ thể nặng nề hơn, dẫn tới chứng tăng huyết áp. |
Không để điều hòa ở nhiệt độ thấp: Sự chênh lệch quá lớn giữa nhiệt độ trong phòng có điều hòa và nhiệt độ bên ngoài làm cơ thể rất khó điều chỉnh cho thích hợp, dẫn tới dễ bị cảm và trúng gió. Nếu thông gió trong phòng không tốt sẽ tạo môi trường thích hợp cho vi sinh vật phát triển, dễ gây nhiễm bệnh nếu người nào có sức đề kháng kém. Do vậy, nên điều chỉnh điều hòa để phòng có nhiệt độ chênh lệch với bên ngoài từ 5 - 8 độ C.
Không giảm nóng đột ngột: Đi ngoài đường với thời tiết nóng nực, khi về phòng nhiều người thường có thói quen hạ thấp nhiệt độ điều hòa để nhanh chóng làm dịu nhiệt của cơ thể, hoặc chọn cách tắm nước lạnh mà không lường được hậu quả của việc giảm nóng đột ngột đó. Khi đi ngoài nắng, cơ thể đã hấp thụ quá nhiều nhiệt lượng, các mao mạch đang dãn, nếu gặp lạnh đột ngột sẽ làm lỗ chân lông khít lại, không giải tỏa được nhiệt ra ngoài, dẫn đến nhiệt độ cơ thể tăng cao, lượng máu cung cấp cho não bị thiếu, gây đau đầu chóng mặt. Lúc này sức đề kháng của cơ thể rất kém, do đó dễ bị cảm, thậm chí bị ngất. Theo các bác sĩ, những người bị bệnh tim mạch không nên tắm khi nhiệt độ không khí và nước chênh nhau từ 10 độ C trở lên. Sự chênh lệch nhiệt độ đột ngột rất có hại cho mạch vì mạch không kịp thích ứng, có thể kích thích những cơn đau thắt ngực và thậm chí gây nhồi máu cơ tim.
Các bác sĩ cũng khuyên rằng, khi mồ hôi ra nhiều, tắm nước ấm thì sẽ tốt hơn là tắm nước lạnh. Nhiệt độ nước tắm mùa hè không nên thấp hơn 10 độ C. Nhiệt độ nước tắm thích hợp sẽ giúp cho dây thần kinh của bạn hoạt động tốt, bắp thịt được thư giãn. Hoặc nếu không muốn tắm nước ấm cũng cần lau sạch mồ hôi hoặc đợi mồ hôi khô rồi mới tắm.
Không đeo kính quá dày hoặc quá mỏng: Khi chọn kính râm bạn nên chọn loại kính có tỷ lệ lọc ánh sáng từ 15 - 30%, đó là loại mắt kính màu khói, màu trà xanh hoặc màu xanh, giúp mắt tránh được các tia tử ngoại. Không chọn kính quá dày sẽ ảnh hưởng đến thị lực, kính quá mỏng thì không ngăn được ảnh hưởng của các tia tử ngoại.
(Theo Triều Dương // Báo Doanh nhân)