Ở mọi lứa tuổi, khi thấy các triệu chứng bất thường như ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và gây sụt cân thì nên nghĩ đến bệnh đái tháo đường.
KIỂM TRA ĐƯỜNG HUYẾT
Để chẩn đoán bệnh đái tháo đường, xét nghiệm thường được làm là đường huyết lúc đói. Đường huyết lúc đói thường được làm vào buổi sáng hoặc sau 8 giờ không ăn. Lượng đường huyết của người bình thường thường dao động từ 3,9 - 6,1m mol/L (từ 70mg/dl - 110mg/dl). Trường hợp lượng đường huyết lúc đói trong hai lần thử bất kỳ đều lớn hơn 110mg/dl và nhỏ hơn 126mg/dl thì được gọi là “Rối loạn đường huyết lúc đói”. Nếu đường huyết lúc đói >= 126mg/dl (thông qua 2 lần kiểm tra khác ngày) là bị đái tháo đường.
Tuy nhiên trường hợp thử đường huyết bất kỳ thời điểm nào trong ngày mà >= 200mg/dl, đồng thời có các triệu chứng của tăng đường huyết đã nêu ở trên thì cũng được chẩn đoán là bị đái tháo đường. Nếu trường hợp không có triệu chứng tăng đường huyết nhưng xét nghiệm đường huyết bất kỳ trong cả hai lần đều >= 200mg/dl thì cũng được chẩn đoán chắc chắn bị đái tháo đường.
NÊN LÀM GÌ KHI ĐÃ BỊ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG?
Khi bác sĩ đã chẩn đoán chắc chắn bạn bị đái tháo đường, bạn không nên quá hốt hoảng hoặc không quan tâm gì đến bệnh. Bệnh có tính chất mãn tính và có thể gây nhiều biến chứng. Do đó cần phải có thái độ bình tĩnh để sắp xếp lại mọi sinh hoạt, thói quen ăn uống... và cách sống sao cho phù hợp với tình trạng bệnh.
Người bệnh nên sống năng động hơn, không nên ngồi một chỗ suốt ngày. Mỗi ngày nên dành từ 30 - 45 phút để đi bộ. Ngoài ra có thể chơi các môn thể thao khác phù hợp với sức khỏe. Thể thao chính là một phương pháp điều trị không dùng thuốc cho bệnh nhân đái tháo đường.
Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ tính năng lượng cần thiết, thành phần các loại thức ăn cụ thể cho từng người bệnh để đảm bảo một chế độ ăn thích hợp cho mỗi người. Tất cả 2 biện pháp này là nhằm giúp cho bạn đạt được cân nặng lý tưởng của mình, duy trì sức khỏe để sống và làm việc có hiệu quả và góp phần giảm lượng đường huyết bị tăng cao trong máu.
Khi cả hai biện pháp trên vẫn không làm ổn định được đường huyết ở mức bình thường, bạn sẽ được bác sĩ cho dùng thuốc giảm đường huyết để điều trị. Dùng thuốc nào là phù hợp với bệnh của bạn? Điều này sẽ do bác sĩ quyết định, dựa trên tình trạng của bệnh. Để điều trị có kết quả tốt, nên phối hợp chặt chẽ với bác sĩ điều trị để được theo dõi bệnh liên tục.
Một điều cần thiết đối với người bị bệnh đái tháo đường là phải liên tục theo dõi đường huyết. Đường huyết tăng kéo dài sẽ gây biến chứng trên mắt, thận, thần kinh, mạch máu... Tuy nhiên, nếu đường huyết được kiểm soát tốt, luôn duy trì ở giới hạn bình thường sẽ giúp giảm tỷ lệ biến chứng. Tự theo dõi sẽ cho bạn biết mức đường huyết hiện tại, giúp bạn điều chỉnh chế độ ăn và thuốc cho thích hợp hơn và kịp thời hơn. Các số liệu về đường huyết trong thời gian bạn điều trị tại nhà sẽ rất cần thiết và hữu ích cho bác sĩ của bạn, giúp bác sĩ có phương thức điều trị hợp lý nhất.
(Theo Ts-Bs. Nguyễn Thị Bích Đào // Báo Bà Rịa – Vũng Tàu)